Hút thuốc lá ảnh hưởng răng miệng

Cập nhật, 13:45, Thứ Năm, 12/12/2019 (GMT+7)

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, điều đó đã được minh chứng rõ ràng qua nhiều nghiên cứu. Hút thuốc cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vấn đề về răng miệng.

Hút thuốc lá ảnh hưởng sức khỏe.
Hút thuốc lá ảnh hưởng sức khỏe.

Theo thống kê y khoa, những người hút thuốc lá sẽ dễ mắc các bệnh về răng miệng nhiều gấp 3-6 lần và nguy cơ bị rụng răng là rất cao, gấp 2 lần so người không hút. Những bệnh lý về răng miệng thường gặp khi hút thuốc lá là viêm nhiễm ở răng, lợi và phần xương xung quanh răng.

Theo các chuyên gia y tế, trong thuốc lá có 3 thành phần chính ảnh hưởng đến khoang miệng là: nicotin, monoxyd de carbon và acid cyanhydrid.

Các chất này gây co mạch ngoại vi, ảnh hưởng tới việc làm lành vết thương, giảm miễn dịch, giảm nồng độ oxygen trong mô, mất thăng bằng hệ vi khuẩn miệng, giảm lưu lượng máu trong xương ổ răng, giảm nồng độ kháng thể trong nước bọt và máu …

Những tác hại của thuốc lá gây ra cho răng miệng là rất lớn, gồm: răng ố vàng, ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ và giao tiếp. Thuốc lá ám khói lên răng, làm đổi màu răng, đổi màu hàm giả, đổi màu các chất trám răng.

Ngoài ra, người hút thuốc lá khiến tốc độ phục hồi sau khi nhổ răng chậm; gây nên các bệnh về nướu răng, vốn là nguyên nhân chủ yếu gây rụng răng; ung thư miệng; hơi thở nặng mùi; viêm tuyến nước bọt vòm miệng; làm gia tăng các mảng bám và cao răng; gây khó khăn cho các thao tác cấy ghép nha khoa.

Thuốc lá là kẻ thù số một của các bệnh viêm quanh răng, không những là nguy cơ gây bệnh cao mà còn làm chậm quá trình hồi phục của các bệnh răng miệng.

Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng thuốc lá là nguyên nhân gây viêm quanh răng với những triệu chứng tụt lợi, mất bám dính, tiêu xương và cuối cùng là mất răng. Anh N.V.T (48 tuổi, thị trấn Tân Quới- Bình Tân) hút thuốc lá nhiều năm nay, gần đây hay bị đau buốt răng và đau nhức chân răng, có nhiều răng bị lung lay.

“Đi khám, bác sĩ khuyến cáo răng đang bị lung lay là chuyển sang thể nặng bị viêm quanh răng, cần phải điều trị trong thời gian dài. Muốn điều trị được hiệu quả, tôi phải dừng hẳn việc hút thuốc để quá trình chữa lành vết thương được cải thiện rõ rệt nhất”- anh T. cho biết.

Có khoảng 90% số người bị ung thư miệng, môi, lưỡi và cổ họng do hút thuốc và rủi ro mắc bệnh tăng tỷ lệ thuận với mức độ hút hoặc nhai thuốc. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 6 lần so với người không hút. Khoảng 37% các bệnh nhân vẫn tiếp tục hút sau liệu trình điều trị ung thư có dấu hiệu khối u di căn sang vị trí khác như miệng, môi, lưỡi, cổ họng.

Bởi vậy, hãy từ bỏ thuốc lá để có một sức khỏe tốt và hàm răng chắc khỏe!

Bài, ảnh: MAI ANH