Cảnh báo những thói quen có thể gây ung thư

Cập nhật, 10:03, Thứ Sáu, 27/12/2019 (GMT+7)

Theo thống kê của Bộ Y tế, có tới trên 80% nguyên nhân gây ra bệnh ung thư là do các yếu tố liên quan đến môi trường và thói quen ăn uống. Đáng chú ý tỷ lệ tử vong do ung thư cao gấp 7 lần so với tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông. Các bệnh ung thư liên quan trực tiếp đến yếu tố ăn uống như: ung thư dạ dày, ung thư trực tràng, ung thư thực quản… đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.

Thói quen ăn uống gây ung thư

Bệnh ung thư được coi là nỗi sợ hãi kinh hoàng nhưng rất ít người quan tâm đến việc dự phòng. Việc thường xuyên dùng thức ăn được chế biến dưới dạng nướng, chiên, xào hoặc thực phẩm cay, nóng, các loại thực phẩm muối chua … có thể dẫn đến nguy cơ mắc ung thư thực quản và dạ dày.

Trong khi đó, chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển các khối u đại- trực tràng. Nếu thường xuyên ăn thực phẩm giàu đạm, chất béo có nguồn gốc từ động vật, đồ ăn đóng hộp, thực phẩm nhiễm hóa chất gây ung thư như benzopyren, nitrosamin… nhưng lại ít bổ sung chất xơ, rau, trái cây trong thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư đại- trực tràng.

GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng- Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh- khuyến cáo cộng đồng, khoảng 80% bệnh ung thư là do những gì con người ăn uống, hít thở, cọ xát hoặc phơi trải.

Khói thuốc lá gây ra 1/3 gánh nặng ung thư trên hành tinh. Thuốc lá là sát thủ cận kề êm ái mà hết sức tàn độc, không chỉ hại người nuốt khói mà cả những người “hít ké”. Một số vi rút, vi khuẩn gây 1/5 các ung thư của loài người. Các sát thủ vô hình âm thầm mai phục, bệnh trổ ra thì trở tay không kịp.

Viêm gan do vi rút HPV và HCV lâu ngày dẫn đến ung thư. Các vi rút HPV có thể gây ra 70% ung thư cổ tử cung và nhiều thứ khác. Vi khuẩn H. pylori gây ra 50-60% ung thư dạ dày. “Giặc” gây ung thư còn là các tia bức xạ, ăn không lành, ăn thức ăn quá mặn (cá khô, mắm cá, cải dưa, cà pháo, mắm tôm, kim chi lâu ngày), ngủ không đủ…

Theo quan niệm truyền thống của người Việt, ăn chung chén nước chấm, uống chung ly rượu, bia; gắp thức ăn cho nhau trong bữa ăn là thể hiện tình cảm ấm cúng, thân thiện và hiếu khách. Song, đây cũng chính là con đường lây lan vi khuẩn HP- vi khuẩn gây viêm loét ở dạ dày, dẫn tới ung thư dạ dày.

Chị Thái Kim L. (TP Vĩnh Long) thường xuyên bị đau bao tử, nhưng sau đó chị sụt cân nhanh, cứ tưởng bị bao tử hành, ăn uống không được nên cũng không lo lắng lắm. Sau đó, chị cảm thấy mệt mỏi, khó thở và buồn nôn nên mới đi khám chuyên khoa, làm các xét nghiệm, nội soi và phát hiện bị ung thư dạ dày.

Chị lo lắng, mắt rơm rớm: “Tôi nghĩ mình còn trẻ và sống lành mạnh không thể bị ung thư nên chủ quan, ít quan tâm đến khám sức khỏe và cũng sợ khám, tầm soát phát hiện bệnh lại sợ hơn. Ai dè…”

Ăn gì để không bị ung thư

Chú N.V.B. (huyện Kế Sách- Sóc Trăng) nằm viện điều trị ung thư vòm họng di căn tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ hơn 1 năm nay. Do ăn uống không được, các bác sĩ phải mở thông thực quản, tạo một “lỗ xông” trên cổ để lấy đó làm lỗ thông, “bom” thức ăn xuống dạ dày để nuôi cơ thể.

Chú B., tâm sự: “Tui nghiện thuốc lá nặng, ngày hút có khi trên 2 gói; rồi nhậu, ăn uống lung tung thành ra bịnh tình như vậy. Nằm đây, phải có vợ con thay phiên nhau chăm, bom cháo, súp mỗi bữa. Thiệt, bịnh mới biết sợ… chết”.

Theo các bác sĩ, yếu tố nguy cơ chính của ung thư thực quản là lạm dụng rượu bia và hút thuốc lá. Những người uống rượu thường xuyên có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao gấp 10 lần người bình thường.

Độ tuổi mắc căn bệnh này thường gặp nhất là khoảng 50-60 tuổi. Những người có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng... hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, nuốt vướng nghẹn, đầy bụng… thì nên đi khám ngay.

GS. BS. Nguyễn Chấn Hùng cho biết, Hội Ung thư Hoa Kỳ có hướng dẫn ăn uống ngừa ung thư. Bữa ăn giàu thực vật, nhiều rau trái, đậu củ hột hàng ngày. Một chế độ ăn uống đầy đủ chất đạm, nhiều cá ít thịt, chất bột vừa phải, ăn nhiều rau quả tươi, uống nhiều nước, tránh chất béo động vật, các món muối dưa mặn, món chiên nướng cháy; tránh xa khói thuốc lá, uống ít hoặc không uống rượu, vận động cơ thể để chống béo phì và nên hội nhập tích cực với xã hội.

Với tình trạng an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát tốt tại nước ta, đặc biệt là các loại đồ ăn thức uống bán vỉa hè không có quản lý và không rõ nguồn gốc xuất xứ, dự kiến trong vài năm tới, ung thư đường tiêu hóa sẽ gia tăng mạnh mẽ. Để bảo vệ sức khỏe chính mình, người thân và phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa, tốt nhất nên nấu ăn tại nhà với những thực phẩm sạch, an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, để sớm phát hiện các bất thường của đường tiêu hóa và xử trí kịp thời, ngăn ngừa tiến triển thành ung thư, nên thực hiện khám tầm soát ung thư thực quản- dạ dày- đại trực tràng định kỳ.

Trong các tác nhân bên ngoài, thức ăn được xếp hàng đầu bởi 35% nguyên nhân gây ung thư là do chế độ ăn uống. ung thư dạ dày và ung thư đại- trực tràng hiện nằm trong nhóm ung thư hàng đầu. Mỗi năm, nước ta có từ 11.000 đến 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày với 8.000 ca tử vong. Đối với ung thư đại- trực tràng, con số mắc mới tương tự như ung thư dạ dày, nhưng số tử vong ở mức 6.000 người. Tuy nhiên, nếu tầm soát sớm, điều trị kịp thời thì có thể chữa khỏi hơn 90%.

 

Bài ảnh: THÚY QUYÊN