Bệnh tay chân miệng đang tăng- đừng chủ quan!

Cập nhật, 08:48, Thứ Sáu, 18/10/2019 (GMT+7)

Tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang diễn biến phức tạp, nhất là bệnh tay chân miệng (TCM) đang gia tăng và có nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao.

Để phòng bệnh TCM, nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh liên hệ với ngành y tế để được cấp thuốc Cloramin B thực hiện lau rửa các vật dụng, đồ dùng, đồ chơi của trẻ thường xuyên.
Để phòng bệnh TCM, nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh liên hệ với ngành y tế để được cấp thuốc Cloramin B thực hiện lau rửa các vật dụng, đồ dùng, đồ chơi của trẻ thường xuyên.

Đừng thờ ơ với bệnh TCM

Quy luật của bệnh TCM chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, bắt đầu phát sinh từ tháng 8 kéo dài đến hết tháng 12 khi trẻ trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè.

Bệnh TCM là do bị nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh do siêu vi trùng đường ruột Enterovirus và Coxcakieruses gây nên.

Đặc biệt, Enterovirus 71 thường gây bệnh nặng. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não- màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh TCM trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng về số ca mắc, trong đó có tuần ghi nhận gần 200 trường hợp mắc bệnh, tăng hơn gấp đôi so với các tháng trước, chủ yếu là ở trẻ lứa tuổi mầm non, mẫu giáo với các biểu hiện sốt, nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, mông và đầu gối.

Tính đến thời điểm này, Vĩnh Long ghi nhận trên 1.300 trường hợp mắc bệnh TCM tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Theo bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thu Hương- Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, bệnh nhi nằm điều trị TCM tại Khoa Nhi tăng trên 50% so với tháng trước.

Không chỉ gia tăng về số ca mắc mà các trường hợp nặng có biến chứng cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Bệnh TCM diễn tiến rất phức tạp có nhiều trường hợp nhập viện đã trong tình trạng nặng. Bệnh nhi có biến chứng như biến chứng thần kinh, co giật, hôn mê. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu ban đầu của bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Bệnh TCM chưa có vắc xin phòng ngừa

Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Vì vậy, nhân viên y tế và nhà trường cần quan tâm hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ nhỏ.

Song, nguy cơ bị nhiễm bệnh có thể được giảm đi nếu chúng ta thực hiện những phương pháp vệ sinh tốt. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước, xà phòng, vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Đặc biệt là sau khi chạm vào những vết loét, bóng nước của người bị bệnh; trước khi sửa soạn thức ăn; trước khi ăn; trước khi cho trẻ ăn hoặc chăm sóc trẻ; sau khi sử dụng toilet và sau khi thay tã cho trẻ...

Cô Hồ Thị Hồng Cúc- Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết, để phòng bệnh TCM, nhà trường chủ động liên hệ với ngành y tế để được cấp thuốc Cloramin B, thực hiện lau rửa các vật dụng, đồ dùng, đồ chơi của trẻ thường xuyên.

“Trẻ nhỏ chưa có khả năng tự vệ sinh cá nhân và bảo vệ mình trước các nguy cơ dịch bệnh. Vì thế, vấn đề vệ sinh cá nhân, nơi học tập, vui chơi của trẻ phải được các cô quan tâm thực hiện tốt. Theo đó, hàng tuần, nhà trường đều tổ chức lau chùi, rửa sạch đồ chơi của trẻ bằng Cloramin B, rồi phơi khô. Phòng học, cầu thang hàng ngày đều được lau dọn sạch sẽ, đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ”- cô Cúc nói.

Mọi trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc TCM nên khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cho trẻ ở trong không gian thoáng, các bề mặt trẻ tiếp xúc như sàn nhà, nhà vệ sinh, giường ngủ phải sạch sẽ.

Các bậc phụ huynh lưu ý những dấu hiệu bệnh nặng như trẻ sốt cao liên tục, cao hơn hoặc bằng 39 độ C, uống thuốc hạ sốt không giảm, có triệu chứng giật mình, chới với, rung chi hoặc nôn ói liên tục, có nhịp thở nhanh bất thường thì phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Đồng thời, cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho trẻ, vì đường lây truyền chính của bệnh TCM là qua đường tiêu hóa.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), đối với bệnh TCM để ngăn ngừa triệt để bệnh là không thể vì bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa nên các giải pháp phòng ngừa, khống chế ổ dịch ngay từ đầu mùa rất quan trọng. Và nếu làm tốt sẽ giảm thiểu số ca nguy cơ lây bệnh.

 

 

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG