Xử lý khi trẻ bị hóc dị vật

Cập nhật, 07:32, Thứ Sáu, 09/08/2019 (GMT+7)

Trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng và đây cũng là những nguyên nhân thường gặp khiến cho dị vật rơi vào đường thở. Nếu chúng ta không có cách ứng cứu kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong cho trẻ nhỏ.

Trẻ nhỏ có thói quen đưa đồ chơi vào miệng nên phụ huynh cần cẩn trọng khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ.
Trẻ nhỏ có thói quen đưa đồ chơi vào miệng nên phụ huynh cần cẩn trọng khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ.

Nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu vì dị vật đường thở

Chiều 2/8, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh vừa cứu sống bệnh nhi L.T.B. (5 tuổi, ngụ Bến Tre) do hóc đồ chơi lego khiến khối nhựa chặn ngay đường thở nguy kịch. Gia đình tức tốc đưa con đến bệnh viện địa phương.

Tại đây, các bác sĩ dự đoán dị vật đã rơi vào đường thở nên đã đặt ống giúp thở và chuyển ngay bé tới Bệnh viện Nhi đồng. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã quyết định thực hiện nội soi phế quản để gắp dị vật.

Tuy nhiên, do bệnh nhi mới 5 tuổi, việc nội soi vô cùng phức tạp, phế quản dễ co thắt khi có kích thích có thể gây suy hô hấp cấp trong quá trình nội soi.

Ê kíp nội soi quyết định chọn phương án gây tê nhằm tận dụng ưu điểm dây thanh âm của bệnh nhi vẫn còn mở.

Quá trình nội soi ghi nhận, ở phế quản trái của bệnh nhi có một khối dị vật trụ chữ nhật, kích thước 1x2cm, nhấp nhô và gần bít tắc lòng đường thở. Hiện, bé trai đã ổn định sức khỏe sau khi được các bác sĩ gắp dị vật ra khỏi đường thở.

Trước đó vào tháng 3/2019, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cũng cứu thành công một trường hợp bé trai 8 tuổi bị hội chứng xâm nhập khá điển hình là ho sặc sụa, tím tái, bứt rứt khó chịu trong người, do nuốt nhầm đồ chơi xếp hình lego.

Đây là một trong những trường hợp dị vật đường thở hay gặp ở trẻ em, do trẻ em thường có thói quen cho các đồ vật nhỏ vào miệng. Vì vậy, nếu trẻ chưa đủ ý thức để nhận biết thì không nên cho trẻ chơi với đồ vật nhỏ dễ nuốt hoặc cho chơi nhưng phải có sự giám sát của người lớn.

Gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trẻ bị hóc dị vật từ hạt nhãn, đồ chơi lắp ghép, viên pin nhỏ trong đồ chơi, hạt dưa, hạt mãng cầu, rau câu, xương, hạt trân châu.

Nhiều bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu, gắp dị vật kịp thời. Song, một số bé lại bị hôn mê, thậm chí tử vong do người nhà phát hiện muộn, sơ cứu sai cách làm trễ mất thời gian vàng cấp cứu.

Xử lý khi trẻ bị hóc dị vật

Cuối tháng 7/2018, một bé trai 2 tuổi được chuyển từ Nam Định vào Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Bé bị hóc hạt nhãn nhưng do cách xử trí ban đầu không đúng nên lúc nhập viện bé đã bị ngừng tim, tổn thương não, dẫn đến phải sống thực vật. Đây là bài học cho thấy việc biết cách sơ cứu trẻ ngay khi bị hóc dị vật là vô cùng quan trọng.

Trung bình hàng năm, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ tiếp nhận khoảng 2-3 ca hóc dị vật, thường xảy ra ở trẻ em, người lớn hiếm gặp. Dị vật hữu cơ thường gặp là cháo, thạch, rau câu, hạt... Trên 80% dị vật đường thở ở trẻ em là các loại hạt. Dị vật vô cơ như đồ chơi, đầu bút bi, pin...

Theo các bác sĩ, thời gian vàng để cấp cứu trẻ rất ngắn. Trong tình trạng trẻ bị ngạt thì chỉ cần 4 phút đã gây tổn thương thần kinh không hồi phục. Do đó, người lớn cần biết sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà. Người lớn cần thực hiện ngay thủ thuật Heimlich để lấy dị vật. Nếu dị vật không bắn ra, cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Nguyên tắc của Heimlich là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài.

Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên một cánh tay, dùng lòng bàn tay kia vỗ lưng 5 lần mạnh và nhanh vùng giữa 2 xương bả vai, sau đó lật ngửa trẻ lại. Nếu còn khó thở, dùng 2 ngón tay ấn ngực 5 lần. Trẻ 5- 7 tuổi thì đặt em bé vắt qua đùi, vỗ 5 cái vào vùng lưng phía sau phía trên ngực.

Theo ThS, BS Thái Thị Thùy Dung (Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ), để phòng tránh nguy cơ mắc dị vật, nên ăn chậm, nhai kỹ và chỉ nuốt khi nào không thấy xương trong miệng. Đối với trẻ em, không nên cho trẻ ăn những thức ăn dễ hóc như hạt đậu phộng, hạt bí, hạt dưa, hướng dương, không cho trẻ chơi, ngậm mút các vật nhỏ và đồ chơi nhỏ.

Để xa tầm với của trẻ nhỏ tất cả các vật dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nhất là những vật dụng nhỏ; không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc hoặc nô đùa (sẽ gây sặc). Lúc này, bé sẽ phản ứng lại bằng phản xạ co thắt thanh quản để không cho dị vật đi vào, biểu hiện phản xạ ho, khó thở, tím tái. Một số ít trẻ, nếu phản xạ co thắt quá mạnh, không giảm có thể dẫn đến tử vong nếu không sơ cứu kịp.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, một trong những sai lầm mà có lẽ nhiều phụ huynh mắc phải nhất, là ẵm trẻ nằm ngửa và cố cho tay vào miệng con để móc dị vật ra, nhưng đây là điều cực kỳ sai lầm vì có thể khiến bé gặp nguy hiểm hơn.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG