Duy trì tiêm đủ 2 mũi vắc xin là cơ bản phòng bệnh sởi

Cập nhật, 13:47, Thứ Tư, 12/06/2019 (GMT+7)

57 tỉnh- thành với 418 quận- huyện và dự kiến gần 4,3 triệu trẻ em từ 1-5 tuổi được tiêm vắc xin sởi- rubella trong chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi- rubella năm 2018-2019 theo kế hoạch của Bộ Y tế.

Sởi và rubella là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng trẻ.

Trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như: tim, điếc bẩm sinh, đục thủy tinh thể, chậm phát triển, vàng da, xuất huyết, đái tháo đường ở trẻ nhỏ... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển thể chất lẫn tinh thần.

Báo cáo Bộ Y tế cho biết, từ năm 2017 số mắc sởi tại Việt Nam có xu hướng gia tăng so với năm 2015, 2016.

Năm 2018, có 49 tỉnh- thành ghi nhận hơn 2.300 trường hợp sốt phát ban, trong đó 37 địa phương ghi nhận gần 1.000 ca sởi dương tính, có 1 trường hợp tử vong.

Các địa phương ghi nhận sốt phát ban và sởi dương tính chiếm chủ yếu ở miền Bắc, các khu vực miền Nam, Trung, Tây Nguyên ít hơn.

Điều đáng nói trong số các trường hợp sốt phát ban nghi sởi này, chỉ có 370 trường hợp đã tiêm chủng (16,1%), trong đó dương tính với sởi 110 ca.

Còn lại đa phần không được tiêm chủng (1.004 trường hợp, chiếm 43,6%), trong đó dương tính với sởi 510 ca; không rõ tiền sử tiêm chủng (927 trường hợp, chiếm 40,3%), trong đó dương tính với sởi 343 ca.

Báo cáo Bộ Y tế chỉ ra, vắc xin sởi và rubella an toàn và hiệu quả cao trong phòng bệnh. Tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc xin sởi trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95% và tiêm vắc xin sởi- rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt trên 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Ngoài ra, cần triển khai các đợt tiêm vét, tiêm chiến dịch theo tình hình dịch tễ.

Theo Bộ Y tế, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin sởi và sởi- rubella các năm gần đây đạt cao, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin sởi- rubella trên phạm vi toàn quốc chưa đạt 95% theo yêu cầu và vẫn còn các huyện- thị vùng nguy cơ cao chỉ đạt dưới 90% tỷ lệ tiêm sởi, sởi- rubella.

Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện vi rút sởi lưu hành có thể gây dịch.

Tại tỉnh Vĩnh Long, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế cho thấy, từ đầu năm nay đến tháng 4/2019, đã có 123 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 13 trường hợp dương tính với sởi, tăng gấp 5 lần so cùng kỳ năm 2018 (cả tỉnh có 24 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 3 ca dương tính với rubella).

Bộ Y tế trước tình hình đó đã phê duyệt “Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi- rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018-2019”.

Chiến dịch đặt mục tiêu trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm một mũi vắc xin sởi- rubella, góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng.

Cụ thể, chiến dịch phải đạt 95% trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin sởi- rubella; đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế và Chính phủ. Đối tượng và số lượng tiêm chủng ở các địa bàn như đã nêu ở trên.

Tại Vĩnh Long, theo kế hoạch ngành y tế, dự kiến sẽ tổ chức tiêm bổ sung mũi vắc xin này từ 20-30/6 năm nay. Ngày sau khi kết thúc tiêm sẽ tổ chức tiêm vét, một số trẻ hoãn tiêm sẽ đưa vào kế hoạch tiêm chủng thường xuyên tháng 7/2019. Tại hầu hết các tuyến huyện, ngành chức năng tỉnh thống kê có hơn 53.000 trẻ sinh từ 2014 đến 2017 nằm trong diện tiêm.

Cụ thể hơn, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật- cho biết, từ 20-28/6, các trạm y tế thực hiện tiêm sởi- rubella cho trẻ 1-5 tuổi (không cùng buổi tiêm chủng các vắc xin khác). Ngay sau khi kết thúc đợt tiêm sẽ tổ chức tiêm vét ngày 29-30/6.

Theo kế hoạch, sẽ có 92/109 xã- phường- thị trấn của 7/8 đơn vị cấp huyện trong tỉnh triển khai chiến dịch này.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và trung tâm y tế tuyến huyện thành lập các đoàn kiểm tra giám sát trước, trong và sau triển khai chiến dịch, kịp thời hỗ trợ cơ sở tiêm chủng (trạm y tế tuyến xã) thực hiện đúng quy định đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng.

Vắc xin phòng bệnh sởi bao gồm vắc xin sởi đơn giá và vắc xin phối hợp sởi- rubella (MR) hoặc sởi- quai bị- rubella (MMR).

Vắc xin phòng bệnh rubella bao gồm vắc xin rubella đơn giá và vắc xin phối hợp sởi- rubella hoặc sởi- quai bị- rubella. Vắc xin sởi- rubella để phòng đồng thời 2 bệnh sởi và rubella. Đây là vắc xin sống, giảm độc lực. Bệnh sởi, rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Tiêm vắc xin sởi- rubella là cách duy nhất phòng bệnh chủ động và hiệu quả. Vắc xin sởi- rubella giúp bảo vệ đồng thời cho trẻ khỏi mắc 2 bệnh sởi, rubella và phòng hội chứng rubella bẩm sinh ở trẻ em. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin là 95%.

TƯỜNG VÂN