Hãy chọn sức khỏe- Đừng chọn thuốc lá!

Cập nhật, 06:27, Thứ Tư, 29/05/2019 (GMT+7)

“Thuốc lá và các bệnh về phổi”- là chủ đề được Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn cho ngày Thế giới không thuốc lá năm nay.

Qua đó, nhằm thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về phổi, đồng thời kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Trẻ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen, tăng nguy cơ mắc viêm phổi.
Trẻ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen, tăng nguy cơ mắc viêm phổi.

Thuốc lá và các bệnh về phổi

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, Ủy viên Thường trực Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá: Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.

Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Hút thuốc thụ động còn là nguyên nhân gây các bệnh về phổi đối với trẻ em, làm các em có thể phải gánh chịu những hậu quả sức khỏe ở tuổi trưởng thành như tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.

Những bệnh nhân mắc COPD đang điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long phần lớn cũng do thời gian dài hút thuốc lá. Mỗi năm cả nước có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và có khoảng 10% dân số có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch…. do hậu quả của thuốc lá.

Ông N.T.B (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) lo lắng: “Tui bị ho ra máu, vô bệnh viện cầm được máu rồi. Bác sĩ nói do hút thuốc lá nhiều ảnh hưởng về tim mạch rối loạn dây thần kinh và ho ra máu cho nên tui khuyên ai hút thì cố gắng bỏ thuốc đi. Sức khỏe giờ quý lắm!”

Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng- Trưởng Khoa Bệnh phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh: Hút thuốc lá, thuốc lào đưa đến hạn chế về thông khí đường thở và lâu ngày dẫn đến bệnh COPD và bệnh này gây tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 3 sau tim mạch và ung thư, mức độ tàn phá cơ thể rất nghiêm trọng.

Trên thực tế bệnh nhân điều trị đa số do tình trạng hạn chế thông khí đường thở, đặc biệt COPD chiếm 50%, trong đó nhiều người có tiền sử hút thuốc lá. Những người hút thuốc biết hút thuốc liên quan nhiều đến ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, nhưng chưa có nhiều người biết đó là căn nguyên của căn bệnh cũng nặng không kém là bệnh phổi COPD.

Bệnh COPD là một tình trạng tích tụ chất nhầy và mủ trong phổi người hút thuốc lá dẫn đến ho, đau ngực và khó thở. Nguy cơ mắc bệnh COPD đặc biệt cao ở những người hút thuốc từ khi còn trẻ, vì các chất độc trong khói thuốc lá làm suy giảm sự phát triển của phổi.

Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, góp phần gây tàn phế và tử vong cho cả người hút thuốc lá và người hút thuốc lá thụ động. Bỏ thuốc lá là phương pháp hiệu quả nhất để làm chậm tiến triển của bệnh COPD và cải thiện các triệu chứng hen suyễn.

Hãy chọn sức khỏe- Đừng chọn thuốc lá

Khi khỏe, thì những hậu quả mà làn khói thuốc lá mang đến gần như đều bị nhiều người phớt lờ, thậm chí nhiều người ông, cha, người anh trong gia đình vẫn cứ thản nhiên phì phà thuốc lá ngay trước mặt con cháu của mình dù biết tác hại của việc làm này là không hề nhỏ.

Nhiều người hút thuốc khi đang lưu thông trên đường tiềm ẩn vô số nguy cơ gây tai nạn, ảnh hưởng đến người khác (tàn thuốc lá có thể văng trúng người đi bên cạnh, khói thuốc ảnh hưởng sức khỏe người xung quanh...). Hiện nay, những tác hại ghê gớm của thuốc lá vẫn không thể hạn chế được cảm giác thèm hút của người nghiện thuốc lá.

Việc cai thuốc lá thành công hay không, trước tiên là tùy thuộc vào sự quyết tâm của người hút. Đã có rất nhiều người nghiện nặng nhưng tự cai thành công. Hãy nghĩ đến những phụ nữ, trẻ em mắc bệnh do phải hút thuốc lá thụ động.

Nếu mỗi người đều nói không với thuốc lá, chính là góp sức để môi trường trong lành, cuộc sống tốt đẹp hơn. Chú Phạm Hoàng Việt (Phường 2- TP Vĩnh Long) cương quyết từ bỏ thuốc lá dù đã nghiện hút gần 40 năm.

Chú Việt chia sẻ: “Chú cũng bỏ mấy lần mà không được dù vợ và 2 con hết lời khuyên lơn. Chú hút ở ngoài nhưng về nhà tuyệt đối không hút để không ảnh hưởng vợ con và cháu ngoại. Song, năm ngoái sau trận bệnh nặng, chú quyết tâm cai thuốc lá, để có sức khỏe. Quyết tâm thì sẽ bỏ được thôi!”

Hãy chọn sức khỏe- Đừng chọn thuốc lá!
Hãy chọn sức khỏe- Đừng chọn thuốc lá!

Hút thuốc lá là thói quen do chính chúng ta tạo nên. Để thay đổi thói quen này tuy là điều không hề dễ dàng, nhưng hoàn toàn có thể tự thực hiện. Hãy thay đổi nhận thức ngay từ bây giờ, để tự cứu lấy sức khỏe của chính ta và những người thân trong gia đình, trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới. Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó, có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc và hơn 600.000 người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.

 

Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, gây tàn phế và tử vong cho cả người hút thuốc và người hút thuốc thụ động. Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em tử vong trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN