Tiêm chủng- biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh

Cập nhật, 15:54, Thứ Sáu, 26/04/2019 (GMT+7)

 

Trẻ được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ngay từ những tháng đầu đời sau sinh.
Trẻ được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ngay từ những tháng đầu đời sau sinh.

Báo cáo tiêm chủng mở rộng của Việt Nam cho thấy, việc sử dụng vắc xin phòng bệnh thời gian qua đã làm giảm đáng kể các bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, bệnh bại liệt đã được thanh toán; uốn ván sơ sinh được loại trừ; bệnh sởi, ho gà, bạch hầu giảm từ 80 đến hơn 500 lần so 30 năm trước. Tiêm chủng đã bảo vệ được hàng triệu trẻ em thoát khỏi bệnh tật và không bị chết hoặc tàn phế do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã được triển khai 100% từ trung tâm y tế tuyến huyện đến trạm y tế cơ sở. Hàng năm, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ với trẻ em đều đạt trên 95%, qua đó đã bảo vệ thành quả thanh toán, loại trừ, kéo giảm rõ rệt các bệnh truyền nhiễm.

Nếu trẻ được tiêm ngừa đầy đủ, đúng liều, đúng lịch các loại vắc xin trong chương trình thì sẽ phòng tránh được 10 bệnh gồm: lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não do vi khuẩn Hib, viêm não Nhật Bản B, sởi, rubella.

Đơn cử như với bệnh sởi, khi trẻ được tiêm vắc xin ngừa sởi đủ liều, đúng lịch (tiêm mũi 1 lúc được 9 tháng tuổi và được tiêm tiếp 1 mũi ngừa sởi- rubella lúc trẻ được 18 tháng tuổi) thì trẻ sẽ có miễn dịch bền vững suốt đời với sởi.

Phụ nữ trong tuổi sinh đẻ cũng được khuyến cáo nên tiêm vắc xin ngừa sởi, quai bị, rubella để có miễn dịch để bảo vệ cho mình, không truyền sang con và bảo vệ con trước bệnh sởi trong những tháng đầu đời sau sinh.

Để bảo vệ cộng đồng, tỷ lệ tiêm vắc xin cần đạt đến 95%

WHO khuyến cáo để bảo vệ cộng đồng, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi cần đạt đến 95% dân số. Như với bệnh sởi, 3 tháng đầu năm 2019, số ca bệnh tăng 300% trên toàn thế giới, tương đương ghi nhận 112.000 bệnh nhân sởi từ 170 quốc gia. Theo WHO, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh sởi. WHO cũng cho rằng, “sự phổ biến của thông tin sai lệch về vắc xin” là nguyên nhân hàng đầu khiến người mắc bệnh sởi tăng cao.

 

Chị Thanh Thảo (ngụ Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết, con chị đến nay gần 5 tuổi đã “gần như được tiêm đầy đủ các loại vắc xin tiêm chủng mở rộng”, từ 5 trong 1 đến vắc xin sởi, phối hợp ngừa sởi- rubella, viêm não Nhật Bản và vắc xin phòng một số bệnh khác.

Nói về việc này, các bác sĩ dự phòng cho đó là điểm tích cực và rất cần tuyên truyền nhân rộng. Còn ở góc độ quản lý tiêm chủng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý đối tượng với tất cả vắc xin trong tiêm chủng mở rộng; đảm bảo chỉ tiêu tiêm chủng đầy đủ ở trẻ hàng năm đạt từ 95% trở lên, đặc biệt là sởi. Ngành y tế cũng đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về hiệu quả của việc sử dụng vắc xin.

Ngoài biện pháp trên, người dân cần quan tâm thực hiện việc: đưa trẻ đến cơ sở y tế tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên vệ sinh cá nhân cho trẻ, vệ sinh mũi, họng, mắt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường; tránh việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng; hạn chế để trẻ tiếp xúc với người mắc và nghi mắc bệnh; khi trẻ có biểu hiện sốt, phát ban, viêm hô hấp cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị, tư vấn phòng lây nhiễm cho trẻ khác.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long- cho rằng, từ tác động tích cực của tiêm chủng hàng chục năm qua đem lại để phòng tránh hiệu quả bệnh truyền nhiễm, trẻ em cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin, để vừa bảo vệ trẻ và ngăn chặn được dịch bệnh trong cộng đồng.

Dự kiến đưa vắc xin 5 trong 1 mới vào sử dụng

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, dự kiến từ tháng 5/2019 sẽ tiến hành tiêm quy mô nhỏ loại vắc xin 5 trong 1 mới, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib. Loại vắc xin này đã được WHO thẩm định đạt tính an toàn, thành phần tương đương Quinvaxem (đã dừng sử dụng) và ComBE Five (hiện đang lưu hành). Việc đưa thêm một loại vắc xin 5 trong 1 vào sử dụng góp phần đảm bảo an ninh vắc xin, chủ động nguồn cung ứng cho công tác tiêm chủng.

 

 

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN