Người lớn bất cẩn- trẻ uống nhầm hóa chất

Cập nhật, 14:42, Thứ Ba, 12/03/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ nuốt nhầm hóa chất thông bồn cầu, thuốc cỏ, xăng,… mà nguyên nhân chủ yếu là do sự tắc trách của người lớn trong việc cất giữ hóa chất.

Trẻ nhỏ rất hiếu động, nên ba mẹ cần chú ý để các loại hóa chất, thuốc ở trên cao, xa tầm tay trẻ.
Trẻ nhỏ rất hiếu động, nên ba mẹ cần chú ý để các loại hóa chất, thuốc ở trên cao, xa tầm tay trẻ.

Ngộ độc do bất cẩn

Trong giờ ra chơi sáng 4/3, một học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Bắc An (TP Chi Linh- Hải Dương) nhìn thấy 4 túi bột treo ở xe máy của cô giáo, dựng trong sân trường học. Tưởng là bột ăn được, em lấy ra ăn, chia cho các bạn và các em khóa dưới.

Hậu quả,  44 em học sinh lớp 5A và 5B bị ngộ độc với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, miệng rát, phải đi cấp cứu, trong đó 32 em chuyển tuyến trên.

Trong bản tường trình, cô giáo cho biết số bột thông bồn cầu cô mua vào đầu giờ sáng, chưa kịp mang về nhà nên treo ở xe máy, “không ngờ học sinh tinh nghịch tưởng là thứ ăn được đã lấy ra chia nhau”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh- Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm- cho hay, bột thông bồn cầu là loại hóa chất khử trùng cực mạnh và rất độc.

Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn khi nuốt phải đều có nguy cơ ngộ độc và tử vong. Loại hóa chất này có khả năng phân hủy và ăn mòn mạnh các loại rác thải, đặc biệt là các tế bào hữu cơ.

Thời gian qua, có nhiều vụ trẻ em uống nhầm hóa chất, phải nhập viện điều trị trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Đây là mối đe dọa với trẻ- nhất là khi nhiều gia đình vẫn giữ thói quen chứa hóa chất trong những chai nước giải khát quen thuộc của trẻ, để ở những nơi dễ thấy.

Hoặc các loại hóa chất dạng bột, dạng viên được đóng gói trong túi bóng không có nhãn mác lại có màu sắc sặc sỡ khiến trẻ tưởng nhầm là kẹo.

Việc học sinh ăn nhầm bột thông bồn cầu từng xảy ra ở Trường Mầm non xã Nam Kim (huyện Nam Đàn- Nghệ An).

 Chiều 14/11/2017, nhận 2 gói bột thông tắc bồn cầu từ kế toán nhà trường để xử lý, do bận vệ sinh cho một học sinh, cô giáo bỏ tạm vào tủ đựng đồ dùng trong lớp học mà không khóa.

Vắng cô giáo, một trẻ trong lớp mở cửa tủ, lấy 1 gói bột xé ra chia cho các em khác. Hậu quả 3 em nhập viện, không bị đe dọa tính mạng nhưng bị bỏng thực quản.

Cần xử lý kịp thời

Năm 2018, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tiếp nhận hơn 20 trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do uống nhầm hóa chất đựng trong chai lọ. Nặng nhất trong các ca cấp cứu phải kể đến trường hợp bé trai 17 tháng tuổi tại Đồng Nai uống nhầm xăng đựng trong chai nước ngọt.

Bé nhập viện trong tình trạng tổn thương nghiêm trọng các cơ quan nội tạng, nguy cơ tử vong lên tới 80%. May mắn là sau nhiều tuần điều trị lọc máu, bé đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm.

Chị Phạm Mai Anh (TP Vĩnh Long) kể, cũng nhờ nhanh tay chị lấy kịp gói hút ẩm từ tay con gái nhỏ 2 tuổi của mình: “Con bé thấy gói hút ẩm tưởng bánh nên định đưa lên miệng cắn ăn rồi.

Chị thấy nên lấy được và dặn con gói này nguy hiểm, con ăn vô sẽ bị phỏng, đau miệng lắm! Nhờ vậy, giờ thấy mấy gói hút ẩm là bé nói “nguy hiểm” và bỏ vô thùng rác”.

Thuốc, hóa chất gia dụng, gói hút ẩm,… là các yếu tố hay gây ngộ độc cho trẻ. Theo các bác sĩ, nếu trẻ uống nhầm hóa chất, người lớn nên tìm hiểu trẻ đã uống nhầm chất gì.

Nếu đó là hóa chất không bay hơi, khi phát hiện trẻ bị sặc, cần giúp bé nôn ra bằng cách dùng một miếng vải nhỏ bọc vào đầu ngón tay, đặt nhẹ vào nửa bên trong của lưỡi để kích thích cho bé nôn. Sau khi bé nôn ra, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý.

Khi con bị ngộ độc do nuốt nhầm dầu hỏa, cha mẹ không được gây nôn hay cho trẻ ăn uống bất kỳ thứ gì. Lý do là vì nếu cha mẹ gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản.

Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp, sẽ gây ngộ độc, bỏng thực quản, khí quản, gây suy đa tạng có thể cướp đi sinh mạng của chúng.

Lúc này, người nhà nên đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất, tuyệt đối không nên sơ cứu tại nhà, tránh mất đi thời gian vàng để cứu trẻ. Khi để dầu lửa, xăng... trong nhà phải hết sức cẩn thận nhằm tránh cháy nổ, để xa tầm tay trẻ em.

Đặc biệt, phụ huynh nhớ mang theo vỏ loại thuốc hoặc chai hóa chất mà trẻ đã uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.

Chất hút ẩm không độc hại, tuy nhiên có thể kích thích đường hô hấp, đường tiêu hóa, nhất là ở mắt. Nếu bé ngậm hoặc ăn phải hạt hút ẩm, phụ huynh cần cho trẻ súc miệng bằng thật nhiều nước sạch, vì khi có nhiều nước hạt hút ẩm sẽ trở nên bão hòa, không còn hút thêm nước nữa, từ đó không tiếp tục làm tổn thương niêm mạc trên cơ thể.

Khi bị hạt hút ẩm rơi vào mắt, ngay lập tức phụ huynh rửa mắt trẻ bằng nước sạch, rồi nhẹ nhàng lấy hạt hút ẩm ra khỏi mắt bằng bông gòn. Tốt nhất, trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào phụ huynh phải loại bỏ gói hút ẩm.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG