Nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống người Việt Nam

Cập nhật, 11:26, Thứ Sáu, 08/03/2019 (GMT+7)

 

Cán bộ, nhân viên y tế tham gia đo huyết áp, kiểm tra đường huyết hưởng ứng Chương trình sức khỏe Việt Nam. Khuyến cáo chăm sóc sức khỏe này được phổ biến rộng rãi tới mọi người dân.
Cán bộ, nhân viên y tế tham gia đo huyết áp, kiểm tra đường huyết hưởng ứng Chương trình sức khỏe Việt Nam. Khuyến cáo chăm sóc sức khỏe này được phổ biến rộng rãi tới mọi người dân.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Sức khỏe (CTSK) Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

CTSK Việt Nam là một chương trình tổng thể nhằm kết nối các chương trình, dự án, đề án trong những lĩnh vực liên quan để tập trung thực hiện được các mục tiêu ưu tiên về sức khỏe.

Chương trình triển khai trên toàn quốc từ năm 2018 đến 2030. Từ năm 2031 trở đi, căn cứ thực trạng, nhu cầu và kết quả đã triển khai để xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo của chương trình.

Theo đó, chương trình đề ra 3 nhóm mục tiêu cụ thể: đảm bảo chế độ ăn hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Đối tượng thụ hưởng chương trình là toàn dân, trong đó có nhóm đối tượng được ưu tiên xác định theo từng lĩnh vực cụ thể. Trong giai đoạn 2018- 2030, CTSK Việt Nam tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 3 nhóm ưu tiên.

Thứ nhất là nâng cao sức khỏe: (1) đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; (2) tăng cường vận động thể lực. Thứ hai là bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh: (3) chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh; (4) phòng chống tác hại của thuốc lá; (5) phòng chống tác hại của rượu, bia; (6) vệ sinh môi trường; (7) an toàn thực phẩm.

Thứ ba là chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật: (8) phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm; (9) chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng; (10) chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; (11) chăm sóc sức khỏe người lao động.

Phát biểu chính thức phát động CTSK Việt Nam hôm 27/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Việt Nam đạt thành tựu quan trọng trong công tác tăng tuổi thọ và thực hiện nhiều mục tiêu thiên niên kỷ.

Tuy nhiên, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân còn nhiều khó khăn thách thức mới như: vấn đề toàn cầu hóa, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các hành vi thói quen xấu làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường. Công tác phòng và phát hiện bệnh sớm vẫn chưa được chú trọng.

Tuổi thọ người dân cao nhưng trung bình có đến 10 năm phải sống với bệnh tật, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Trước thực trạng đó, trong thông điệp phát động chương trình, Thủ tướng đã kêu gọi người dân tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục thể thao; không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia; có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng, giảm mặn, giảm đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Người dân được khuyên nên đi đo huyết áp 6 tháng một lần để phát hiện sớm nguy cơ tăng huyết áp; đo đường máu ít nhất 1 năm một lần để phát hiện sớm đái tháo đường. Đồng thời cũng cần đi khám định kỳ để phát hiện sớm hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Phát biểu công bố chương trình hành động của CTSK Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 và 2030 của từng lĩnh vực thuộc 3 nhóm mục tiêu: nâng cao sức khỏe; bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh; chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật.

Bộ trưởng Bộ Y tế hy vọng CTSK Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu đề ra để trong tương lai không xa người dân Việt Nam có tầm vóc, thể lực và sức khỏe tốt hơn, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cao hơn.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN