Dấu hiệu nhận biết, cấp cứu, biến chứng, chăm sóc và phòng ngừa sởi

Cập nhật, 07:29, Thứ Sáu, 29/03/2019 (GMT+7)

Viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, mù mắt, viêm não, chết não... là 6 biến chứng nguy hiểm do bệnh sởi gây ra cho người mắc. Sởi là một bệnh lây lan do vi rút, thường gặp ở trẻ em với đặc điểm lâm sàng là viêm long kết mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, sau đó phát ban đặc hiệu ở ngoài da.

Các dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh sởi, bao gồm: sốt 4- 5 ngày kèm mệt mỏi; nhức đầu; đau cơ, khớp; mắt nhiều ghèn kết mạc đỏ; đốm trắng Koplik trong má; hồng ban sau tai/ở mặt (ban màu hồng ở đây ấn vào không biến mất); ban cổ/ngực/bụng/lưng/mông/2 cánh tay/2 chân.

Theo khuyến cáo, trẻ khi bệnh có 4 dấu hiệu cần đưa cấp cứu gồm: sốt cao liên tục 39-400C trên 48 giờ; khó thở, thở nhanh/gấp; lơ mơ, không ăn/chơi; phát ban toàn thân nhưng vẫn sốt.

Theo tài liệu y tế, 1 trẻ mắc sởi có thể lây nhiễm cho 10- 18 trẻ khác. Đồng thời chỉ ra 4 lưu ý chăm sóc trẻ bệnh sởi: hạ sốt đúng lúc, đủ liều; nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý 3 lần/ngày; cắt móng tay tránh gãy làm xước da; tắm rửa sạch sẽ, không kiêng nước.

Cuối cùng, các cách để phòng ngừa vi rút sởi là: chủng ngừa vắc xin đủ liều, đúng lịch; không nắm tay/tránh ngồi đối diện với người mắc sởi đặc biệt khi ho, hắt xì; không dùng hay chơi chung đồ chơi với người mắc sởi.

TƯỜNG VÂN