Tiếp tục duy trì thành quả tiêm chủng

Cập nhật, 05:22, Thứ Sáu, 15/02/2019 (GMT+7)

Nhiều năm trước, từ chỗ chỉ có một số vắc xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), dần dần với yêu cầu phòng bệnh, ngành y tế đưa thêm vắc xin mới vào sử dụng để tăng độ bao phủ vắc xin, tạo miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng.

Phụ huynh được tư vấn trước tiêm, đảm bảo an toàn tiêm chủng ở y tế cơ sở.
Phụ huynh được tư vấn trước tiêm, đảm bảo an toàn tiêm chủng ở y tế cơ sở.

Kết quả TCMR mà cốt lõi là đẩy lùi, khống chế các bệnh đã được khẳng định hơn 30 năm qua trên cả nước. Trong xu thế đó, Vĩnh Long nhiều năm qua đã triển khai tiêm ngừa đạt và vượt chỉ tiêu, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Chị Thùy Dung (Phường 4- TP Vĩnh Long) hồi cuối năm ngoái đưa đứa trẻ nhà đi tiêm mũi sởi thứ 2 theo lịch ở Trạm Y tế Phường 4.

Đây là vắc xin phối hợp sởi- rubella tiêm ngừa lúc trẻ 18 tháng tuổi, mới đưa vào sử dụng gần đây để thay thế mũi sởi đơn liều. Tức khi tiêm vắc xin này, trẻ vừa “nhắc lại” việc ngừa sởi và vừa ngừa cả rubella.

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) cho thấy, năm 2018, kết quả tiêm chủng đầy đủ đối với trẻ dưới 1 tuổi đạt 99,1%, vượt so chỉ tiêu kế hoạch (phải từ 95% trở lên).

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như thiếu vắc xin, thiếu cập nhật tiền sử tiêm phòng nên một số mũi tiêm chủng ngừa lao sơ sinh, bảo vệ uốn ván sơ sinh chưa đạt chỉ tiêu.

Nhưng trên tổng thể, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi toàn tỉnh đạt yêu cầu. Theo trung tâm, tỷ lệ tiêm ngừa cho trẻ dưới 1 tuổi của năm 2018 tăng so với cùng kỳ năm 2017.

Riêng với vắc xin ComBE Five (vắc xin “5 trong 1” thay thế vắc xin Quinvaxem ngừa 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib), đây là vắc xin mới đưa vào trong TCMR ở tỉnh.

Trẻ sẽ được tiêm ngừa vắc xin này khi đủ từ 2, 3 và 4 tháng tuổi (tương ứng mũi 1, 2 và 3). Triển khai vắc xin mới vào TCMR tạo cơ hội cho trẻ em phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trong số trẻ tiêm ComBE Five, phản ứng sau tiêm có 86 trường hợp. Trong đó, 1 trẻ phản ứng nghiêm trọng, còn lại theo chuyên gia là phản ứng thông thường như sưng, nóng, đỏ, đau hay sốt... sau tiêm ngừa.

Do là vắc xin mới nên vẫn còn phụ huynh e ngại đưa con đến tiêm ngừa. Và đây là vấn đề các cơ sở y tế có tiêm chủng tiếp tục vận động người dân đưa trẻ đến tiêm đủ liều, đúng lịch.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật- nói về kết quả tiêm chủng rằng: Người dân ngày càng tin tưởng và ý thức hơn trong sử dụng vắc xin phòng bệnh cho trẻ.

Thể hiện ở việc đưa trẻ đến 109 điểm tiêm ngừa (109 trạm y tế xã- phường- thị trấn) trong Chương trình TCMR, cũng như tiêm chủng dịch vụ.

Bởi ngoài các vắc xin có trong TCMR miễn phí, rất nhiều phụ huynh hiện nay đưa trẻ đi tiêm thêm vắc xin dịch vụ ngừa bệnh: thủy đậu, quai bị, cúm mùa, uống vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus...

Theo ngành y tế, sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của Viện Pasteur, Bệnh viện Nhi đồng I là một trong các yếu tố thuận lợi để công tác giám sát dịch bệnh, quản lý tiêm chủng tốt hơn.

Đồng thời qua hệ thống thông tin truyền thông y tế, báo đài, nhận thức của người dân về sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch ngày càng nâng cao...

Tuy vậy, khó khăn áp lực đối với hoạt động TCMR vẫn còn: trẻ đến tiêm chủng đều khỏe mạnh nhưng nếu có sự cố nghiêm trọng xảy ra sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của gia đình trẻ và cán bộ y tế; thiếu vắc xin khiến trẻ bị tạm hoãn tiêm và phụ huynh phải đưa trẻ đi tiêm nhiều lần...

Từ kết quả đạt được trong TCMR, có thể đúc kết một số kinh nghiệm: khi triển khai vắc xin mới vào TCMR phải được truyền thông sâu rộng; cán bộ trạm y tế cần bình tĩnh, nhạy bén xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm;...

Chương trình TCMR tiếp tục các nhiệm vụ hướng tới gồm: bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt và duy trì kết quả loại trừ uốn ván sơ sinh; đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình TCMR ≥ 95%; giảm tỷ lệ mắc các bệnh /100.000 dân, trong đó sởi < 2, ho gà < 0,2, bạch hầu < 0,02. Hiện nay, nước ta đang sử dụng các loại vắc xin tiêm ngừa trong TCMR, phòng các bệnh: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, Hib (viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib), rubella.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN