Tiêm vắc xin "5 trong 1" cho trẻ: Biện pháp hữu hiệu phòng nhiều bệnh

Cập nhật, 08:09, Thứ Sáu, 11/01/2019 (GMT+7)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, vắc xin ComBE Five (5 trong 1) được triển khai đồng loạt trên toàn quốc vào tháng 12/2018. Đây là loại vắc xin được dùng thay thế vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.  Tại Vĩnh Long, nhiều người đưa trẻ đến trạm y tế tiêm vắc xin đúng lịch.

Trong tháng 1, Vĩnh Long sẽ có hơn 3.700 trẻ được tiêm trả mũi vắc xin ComBE Five 5 trong 1, trong đó, ưu tiên những trẻ chưa được tiêm mũi nào.
Trong tháng 1, Vĩnh Long sẽ có hơn 3.700 trẻ được tiêm trả mũi vắc xin ComBE Five 5 trong 1, trong đó, ưu tiên những trẻ chưa được tiêm mũi nào.

Tiêm vắc xin- phòng bệnh cho con

Đưa trẻ đi tiêm phòng là một việc làm hết sức cần thiết của các bậc phụ huynh, vì những lợi ích cho sức khỏe của trẻ, giúp trẻ tránh được những nguy cơ mắc phải nhiều dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra về sau.

Nhiều phụ huynh cho biết, không gì đau xót hơn là con mình bị bệnh, thậm chí bị di chứng hoặc nặng nề hơn nữa vì các căn bệnh có thể phòng ngừa bằng việc chích ngừa.

Chị Nguyễn Ngọc Điệp (xã Long An- Long Hồ) cho biết: “Tôi luôn tuân thủ đúng lịch trong sổ tiêm ngừa của con để phòng ngừa bệnh”.

Tại các điểm tiêm chủng vào ngày 5, 6 và 7/1/2019, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm trả mũi vắc xin ComBE Five phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm màng não do Hib.

Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khi sử dụng vắc xin phối hợp ComBE Five sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vắc xin ComBE Five được tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi.

Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng. Không sử dụng vắc xin này cho trẻ sơ sinh. Sau 4 tháng ngừng tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem do không có thuốc, Vĩnh Long có khoảng 11.000 lượt trẻ thiếu mũi tiêm 5 trong 1.

Riêng trong tháng 1 này sẽ có hơn 3.700 trẻ được tiêm trả mũi vắc xin ComBE Five, trong đó, ưu tiên những trẻ chưa được tiêm mũi nào. Các tháng sau sẽ tiếp tục tiêm trả mũi cho trẻ chưa tiêm mũi 2, mũi 3.

Do ComBE Five là loại vắc xin mới đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nên trạm y tế theo dõi rất sát sao. Trẻ được sàng lọc kỹ lưỡng, theo dõi 30 phút, các bậc phụ huynh được tư vấn, hướng dẫn để tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà giúp người dân yên tâm khi tiêm phòng cho trẻ.

Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo. Không nên dùng các loại thuốc khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Phụ huynh cần đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng thời gian, địa điểm đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm chủng không quá đông và cán bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng an toàn.

Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (xã Long An- Long Hồ) ẵm con trai gần 3 tháng tuổi đến Trạm y tế xã để chích ngừa. Chị cho biết: “Trước khi chích, bác sĩ khám sức khỏe bé rồi và dặn khi nào bé sốt cao trên 38O hoặc bé không bú mẹ, bỏ bú, khóc hay ngủ li bì mình ẵm bé đến trạm khám. Khi tiêm cho bé xong, mình phải ở lại đây 30 phút để theo dõi bé”.

Cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm vắc xin ComBE Five

Lo lắng, bất an sau mỗi lần con đi tiêm chủng là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh. Song, trên thực tế sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1, trẻ bị sốt là một phản ứng bình thường. Dù vậy, khi trẻ gặp phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five thì cha mẹ cũng cần phải lưu ý, theo dõi và đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất.

Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 8/1/2019 thì thấy có khá đông trẻ nhập viện bởi triệu chứng sốt sau tiêm.

Chị Lê Thị Kiều (xã Hòa Phú- Long Hồ) nhìn con trai Nguyễn Huỳnh Lê Quân (5 tháng tuổi) cho biết: “Bé chích sáng 5/1 thì trưa là nóng hầm hầm rồi, chút xíu sau là tôi thấy con sốt cao 38O nên đi liền đến Bệnh viện Hòa Phú. Uống thuốc hạ sốt mà thân nhiệt không hạ, con ọc sữa nữa nên chuyển tiếp vô bệnh viện tỉnh. Hôm nay đỡ, vui hơn rồi đó, chứ 2 bữa trước con lừ đừ, khóc nhiều, vợ chồng tôi lo lắm”.

Vắc xin ComBE Five được Bộ Y tế lựa chọn thay thế vắc xin Quinvaxem vì đây là vắc xin có thành phần tương tự Quinvaxem.

Trước khi được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, loại vắc xin nào cũng phải trải qua các bước kiểm tra đầy đủ, sát sao của Bộ Y tế. Theo bác sĩ Mạc Thu Hà- Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long), vắc xin ComBe Five sẽ thay thế vắc xin Quinvaxem để phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm màng não mũ cho trẻ dưới 1 tuổi. Sau khi tiêm, trẻ phải ở lại trạm y tế 30 phút để cán bộ y tế theo dõi những phản ứng xảy ra lúc tiêm và sau tiêm, nếu trẻ ổn định sẽ về và theo dõi sau 24 giờ.

Sau khi tiêm ngừa cho trẻ, về nhà tích cực cho trẻ bú sữa mẹ vì các thành phần trong sữa mẹ có kháng thể giúp trẻ phòng sốt. Với trẻ ăn giặm rồi thì cho ăn bình thường và tắm bình thường. Các biểu hiện cần theo dõi là nếu trẻ sốt trên 38oC; bé khóc thét dai dẳng kéo dài; trẻ ngủ lịm mình đánh thức bé không dậy là phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Trẻ em được theo dõi triệu chứng sốt sau tiêm ngừa.
Trẻ em được theo dõi triệu chứng sốt sau tiêm ngừa.

Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng, Vĩnh Long thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu giảm hơn 80- 500 lần so với 30 năm trước và đã bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi bị mắc bệnh, hàng trăm ngàn trẻ em không bị chết hoặc tàn phế do các bệnh truyền nhiễm gây ra.

Đây là cơ sở để nâng cao ý thức của người dân đối với công tác tiêm ngừa phòng bệnh bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình; đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi, ổn định đời sống kinh tế gia đình và xã hội địa phương.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bất kỳ loại vắc xin nào khi tiêm cho trẻ cũng đều có thể gây ra một số phản ứng thông thường như: trẻ sốt, sưng đau, lười ăn... đây là phản ứng thông thường, sẽ hết sau 1- 2 ngày tiêm. Nhưng nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thương như: li bì, sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, khó thở, bú ít, nổi ban trên da thì cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay, không chủ quan để trẻ ở nhà quá lâu và tự điều trị, đặc biệt những trẻ có bệnh lý nền, cha mẹ cần hết sức lưu ý.

Bài, ảnh: MAI ANH