Gánh nặng các bệnh tim mạch

Cập nhật, 13:56, Thứ Sáu, 07/09/2018 (GMT+7)

Liên đoàn Tim mạch thế giới (World Heart Federation- WHF) đã quyết định chọn ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 9 hàng năm là “Ngày Tim mạch thế giới”, nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng chống tăng huyết áp và bệnh tim mạch.

Một bệnh nhân điều trị suy tim tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Một bệnh nhân điều trị suy tim tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong số 1 trên toàn cầu, ước tính có khoảng 17,7 triệu người chết vì bệnh tim mạch vào năm 2015, chiếm hơn 30% tổng số ca tử vong;

trong đó 9,4 triệu người là do các biến chứng của tăng huyết áp như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận...

Tại Việt Nam, các thống kê y tế cho thấy khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp và tổng số ca tử vong toàn quốc là do các bệnh tim mạch chiếm 33%, gấp 20 lần số tử vong do ung thư và gấp 10 lần số tử vong tai nạn giao thông.

Bà Võ Thị Đ. (87 tuổi, ngụ xã Thanh Bình- Vũng Liêm) nói sống đến từng tuổi này, đã chứng kiến nhiều người ra đi đột ngột và phần đông trong đó do bệnh tim mạch.

Tương tự bà Lê Thị L. (74 tuổi, xã Tân Thành- Bình Tân) cũng từ kinh nghiệm sống của mình, thấy rằng “thời bây giờ người trẻ tuổi chết vì các bệnh tim mạch hơn thời hồi xưa”. Bà “chắc mẫm” chuyện ăn uống thời nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tật.

Nhiều người nghĩ rằng bệnh tim mạch khởi phát do di truyền, bệnh đái tháo đường, béo phì và cao tuổi.

Trên thực tế, theo các bác sĩ chuyên khoa, chế độ ăn uống và lối sống thiếu lành mạnh mới là yếu tố gây bùng phát bệnh tim mạch hiện nay.

Cụ thể như thói quen ăn mặn, ít ăn rau xanh, dùng nhiều chất béo có hại, ít vận động và hút thuốc lá... là các nguyên nhân phổ biến của bệnh này.

Người dân hàng ngày cũng thường bỏ qua những dấu hiệu nhỏ như tăng huyết áp, khó thở, tức ngực, mà không biết đó có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong đột ngột.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tấn- Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, một phần nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý tim mạch và tăng huyết áp là do 4 yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được, gồm: hút thuốc lá, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực.

Điển hình như bệnh tim, căn bệnh khó chữa, chi phí điều trị tốn kém nên dù nặng hay nhẹ thì người nào đó mắc bệnh sẽ lại là rào cản kinh tế cho họ và gia đình, ảnh hưởng đời sống tinh thần bệnh nhân.

Bác sĩ Huỳnh Kim Phương- Trưởng Khoa Nội tim mạch- Lão khoa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Thông thường, bệnh nhân được đưa vào khoa tăng đột biến trong dịp lễ và sau lễ.

Khoa có số giường thực kê 90, nhưng số lượng bệnh nhân nằm dao động 145-165 người/ngày, buộc phải huy động giường từ các khoa khác trong bệnh viện để tiếp nhận.

Theo bác sĩ Huỳnh Kim Phương, tuổi bệnh nhân có dấu hiệu các bệnh về tim mạch thường từ 45 trở lên, với mặt bệnh gồm: suy tim xung huyết, bệnh mạch vành, rối loạn tuần hoàn não...

Về xử trí ban đầu, khi bệnh nhân vào viện sẽ tiến hành phân bệnh nặng/nhẹ để có chế độ chăm sóc hợp lý.

Nguyên nhân dẫn đến các bệnh có thể kể: nắng gắt rồi lại mưa dầm, đặt biệt nắng nóng oi bức ra nhiều mồ hôi làm cơ thể mất nước và điện giải hay trong dịp lễ sinh hoạt không hợp lý, bỏ thuốc và không tuân thủ điều trị...

Với người có nguy cơ cao mắc các dấu hiệu về tim mạch, bác sĩ Huỳnh Kim Phương cho rằng, trong thời tiết nắng nóng phải uống đủ nước thay vì chất có chứa cafein (1,5-2 lít/ngày nếu không suy tim, suy thận) và hạn chế rượu bia.

Ngoài ra, người dân cần chú trọng dinh dưỡng hợp lý, trong đó ăn nhiều rau xanh và trái cây, người bệnh tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

Việc tránh yếu tố nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, người dân cũng cần tích cực trong nếp sinh hoạt hàng ngày như: chăm vận động, hạn chế thức khuya, bỏ hút thuốc lá,...

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN