"Thời gian vàng" với người bị đột quỵ

Cập nhật, 15:08, Thứ Sáu, 03/08/2018 (GMT+7)

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long thống kê các năm qua số người bệnh đột quỵ (nhất là đột quỵ não) được tiếp nhận chẩn đoán, điều trị ngày càng tăng. Bệnh viện vừa thành lập, đưa vào hoạt động đơn vị đột quỵ- tạo điều kiện chẩn đoán sớm, dự phòng, điều trị hiệu quả bệnh nhân, giảm di chứng và hạn chế tử vong.

Đơn vị đột quỵ tại bệnh viện tỉnh vừa thành lập đưa vào hoạt động sẽ tạo điều kiện chẩn đoán can thiệp sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ tại tỉnh.
Đơn vị đột quỵ tại bệnh viện tỉnh vừa thành lập đưa vào hoạt động sẽ tạo điều kiện chẩn đoán can thiệp sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ tại tỉnh.

Can thiệp đột quỵ tăng lên mỗi năm

Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não- là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có 2 dạng đột quỵ: đột quỵ thiếu máu não, đột quỵ xuất huyết não.

Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác theo dòng máu di chuyển đến não gây nghẽn tắc mạch máu nuôi dưỡng mô não (còn gọi nhồi máu não). Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bất kỳ tại não bị vỡ.

Trên lâm sàng, đột quỵ thiếu máu não là dạng thường gặp hơn so với đột quỵ xuất huyết não, khi 2 trong 3 bệnh nhân đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não.

Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh trong tài liệu thông tin dành cho bệnh nhân đột quỵ và người nhà khuyến cáo “thời gian là não”. Trong đột quỵ, thời gian được tính từng giây.

Thời gian não bị gián đoạn cung cấp máu càng kéo dài, tổn thương não càng nghiêm trọng. Bệnh nhân đột quỵ cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và điều trị.

Nếu bệnh nhân được đưa đến phòng cấp cứu trong 4 giờ 30 phút đầu tiên (tốt nhất trong 3 giờ đầu) kể từ khi khởi phát triệu chứng và được chẩn đoán đột quỵ do thiếu máu.

Khi đó thuốc tiêu sợi huyết (tan huyết khối) sẽ sử dụng khẩn cấp nhằm làm tan cục máu đông và giải phóng mạch máu bị tổn thương.

Theo một thống kê chuyên ngành, trong 100 bệnh nhân đột quỵ cấp không được điều trị có: 26 bệnh nhân sẽ có thể hồi phục; 21 bệnh nhân chết vì nhồi máu não, nhiều bệnh nhân chết vì xuất huyết sau 36 giờ.

Là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây tử vong do bệnh lý, đột quỵ còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và lâu dài hơn bất kỳ bệnh lý nào khác.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long, đột quỵ não các dạng nói trên đưa vào bệnh viện ngày càng nhiều và tăng đều các năm qua. Như năm 2015, có 1.131 ca đột quỵ não nhập viện, năm 2016 là 1.240 ca và năm 2017, cũng trên 1.200 ca đưa vào viện.

Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và hồi sức tích cực ở BVĐK tỉnh cho rằng, độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ. Đa số người 40 tuổi trở đi bị đột quỵ thường kèm bệnh lý chuyển hóa như tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường,...

Tranh thủ “thời gian vàng” với bệnh nhân đột quỵ

BVĐK tỉnh Vĩnh Long vừa thành lập đưa vào hoạt động đơn vị đột quỵ thuộc Khoa Nội tim mạch- Lão khoa. Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Kim Phương là Trưởng khoa phụ trách đơn vị.

Đây là đơn vị lâm sàng có chức năng cấp cứu, chẩn đoán, điều trị tích cực, phục hồi chức năng và dự phòng đột quỵ cho người bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Kim Phương cho rằng khi bệnh nhân đột quỵ não đến sớm với đơn vị thì khoa sẽ tùy tình trạng bệnh lý mà có chiến lược điều trị thích hợp nhằm giảm tổn thương não, giảm biến chứng và tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, đơn vị đột quỵ mở ra đưa tới động thái tích cực hơn trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhân đột quỵ.

Cụ thể tranh thủ “thời gian vàng” để tiếp nhận bệnh nhân, chẩn đoán đưa hướng can thiệp hoặc là tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch hoặc sàng lọc và chuyển tuyến trên.

Nhấn mạnh lại thời gian là rất quan trọng đối với đột quỵ, bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến nói: “Thời gian bệnh viện tiếp cận bệnh nhân để có thể tiêu sợi huyết hoặc can thiệp nội mạch (thời gian cửa kim) phải càng sớm càng tốt. Đó là khai thác hiệu quả “thời gian vàng” cho bệnh nhân”.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, với đơn vị đột quỵ, yêu cầu quan trọng còn là phối hợp chặt chẽ từ y tế cơ sở.

Theo đó khi các trung tâm y tế huyện chẩn đoán ban đầu biết bệnh nhân đột quỵ, sẽ phối hợp BVĐK tỉnh để chuyển nhanh bệnh nhân lên.

Trong quá trình chuyển bệnh, sẽ báo 115 của BVĐK tỉnh để có thể đưa người hỗ trợ, đồng thời đơn vị đột quỵ chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, nhân lực tại chỗ để khi bệnh nhân tới là can thiệp ngay.

Dấu hiệu phát hiện sớm đột quỵ (F.A.S.T.)

+ Méo miệng (Face drooping): biểu hiện rõ khi bệnh nhân nói chuyện.

+ Yếu liệt tay chân (Arm weakness): đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt 1 bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa 2 tay lên cao.

+ Ngôn ngữ bất thường (Speech difficulty): đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản xem bệnh nhân có lặp lại, có hiểu không và giọng nói có bị đớ không.

+ Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột (Time to call 115): hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI