Đối phó với 5 loại vi sinh vật nguy hiểm trên bờ biển

Cập nhật, 17:32, Thứ Bảy, 28/07/2018 (GMT+7)

Hầu hết vi khuẩn trong cát vô hại, nhưng ký sinh trùng như giun móc, tụ cầu vàng kháng methicillin, nấm... có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.

 Nguy cơ nhiễm một số bệnh khi ngồi chơi trên bãi cát.
Nguy cơ nhiễm một số bệnh khi ngồi chơi trên bãi cát.

Hè đến là thời gian tuyệt vời để tận hưởng kỳ nghỉ trên những bãi cát vàng và vui chơi với những con sóng. Xây lâu đài cát, tắm nắng trên bãi cát hoặc các môn thể thao bãi biển là những hoạt động được ưa thích. Mặc dù hầu hết các vi khuẩn trong cát là vô hại nhưng một số loài ký sinh trùng tiềm ẩn trong cát như giun móc, tụ cầu vàng kháng methicillin - MRSA, nấm... có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.

Giun móc

Giun móc là loài ký sinh trùng có thể lây nhiễm cho cả người và động vật. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), một số loài giun  móc thường lây nhiễm cho mèo và chó và truyền sang người qua cát hoặc đất bị ô nhiễm. Điều này xảy ra khi động vật bị nhiễm giun móc đi vệ sinh trên cát hoặc đất, giun móc sẽ theo con đường này ra ngoài môi trường.

Nếu đi bộ chân trần trên cát, đất bị nhiễm khuẩn thì việc lây nhiễm giun móc là điều rất dễ xảy ra. Có nhiều trường hợp nhiễm giun móc do đi chân trần trên bãi biển được ghi nhận.

Mới đây, tháng 1/2018, cặp đôi Katie Stenphens (22 tuổi) và Eddie Zytner (25 tuổi) người Canada bay đến Dominican nghỉ mát và họ đi dạo chân trần trên bãi biển ở Punta Cana. Giữa kỳ nghỉ họ cảm thấy bàn chân ngứa ngáy khó chịu, sau đó sưng tấy và xuất hiện nhiều vết phồng rộp trên các ngón chân. Sau khi thăm khám, cặp đôi được thông báo họ bị nhiễm ấu trùng giun móc xâm nhập vào chân.

Theo Mark Pearson, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Y học nhiệt đới Australia, Đại học James Cook: Chỉ cần một con giun móc cũng đủ để gây nhiễm trùng. Do trứng của loài giun móc nằm lẫn trong đất cát nên có thể dễ dàng xâm nhập da người khi đi chân trần sau đó ký sinh ở lớp ngoài cùng của da. Tuy nhiên, vì con người không phải là vật chủ chính của loài giun móc nên thông thường loài ký sinh trùng này không sống lâu hơn sáu tuần ở người.

Tụ cầu vàng kháng methicillin - MRSA

MRSA là từ viết tắt của methicillin - resistant Stanphylococcus aureus, là tụ cầu vàng có thể gây nhiễm trùng da và dễ kháng nhiều loại thuốc kháng sinh.

 

Loài tụ cầu này thường có trong các bệnh viện nhưng cũng có thể được phát hiện trong môi trường tự nhiên, đặc biệt là trên các bãi biển. Một số người bị nhiễm tụ cầu vàng trên da hoặc trong mũi mà không có triệu chứng đáng kể nào. Tại Hoa Kỳ, khoảng một phần ba số dân mang tụ cầu khuẩn và 2% số người bệnh nhiễm MRSA không có triệu chứng rõ rệt. Một số khác sẽ có các triệu chứng như vết cắt hoặc vết thương trên da, vi khuẩn sẽ gây tình trạng nhiễm trùng. Một số nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn tụ cầu vàng có trong nước biển và cát. Nghiên cứu năm 2012 đăng tải trên tạp chí Water Research đã tiến hành phân tích mẫu nước và cát từ ba bãi biển Nam California phát hiện thấy vi khuẩn tụ cầu ở 53% mẫu cát biển và vi khuẩn MRSA trong 2,7% mẫu cát biển.

Không rõ liệu số lượng tụ cầu khuẩn và MRSA trong cát có gây ra nguy hại cho sức khỏe người đi biển hay không và các nhà khoa học cần có thêm nghiên cứu để trả lời câu hỏi này. Trong khi chờ đợi, việc tắm vòi hoa sen sau khi tắm biển hoặc vui chơi trên bãi cát sẽ giúp bảo vệ chống lại tụ cầu khuẩn và nhiễm MRSA.

Vi khuẩn

Cát biển cũng có thể chứa một số loại vi khuẩn gây ra tình trạng viêm dạ dày ruột hoặc nhiễm trùng dạ dày dẫn đến tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa. Một nghiên cứu tiến hành năm 2012 đăng tải trên tạp chí Applied and Enviromental Microbiology đã phân tích cát từ 53 bãi biển thuộc California và phát hiện thấy Escherichia, Enterococcus - vi khuẩn thường được tìm thấy trong ruột người và gây tình trạng ngộ độc  thực phẩm như Salmonella và Campylobactera.

 

Một nghiên cứu năm 2009 khảo sát hơn 27.000 người Mỹ có kỳ nghỉ tại bãi biển cho thấy, những người thường tham gia trò chơi trên cát như xúc cát, đắp cát lên người dễ bị bệnh về đường tiêu hóa ngay khi kết thúc kỳ nghỉ hơn những người không tham gia các hoạt động này.

Nấm

Nấm cũng nằm trong danh sách các loại vi khuẩn cần chú ý khi ở bãi biển. Các loại nấm gây nhiễm trùng da và móng tay thuộc nhóm có tên “dermatophytes” được tìm thấy trên các bãi biển. Chúng có thể lây lan và tiếp xúc trực tiếp với người và động vật (theo Hiệp hội Vi sinh học Hoa Kỳ - ASM). Dermatophytes trên bãi biển phổ biến bao gồm Trichophyton mentagrophytes và Trichophyton rubrum - là nguyên nhân gây ra các loại nấm ngoài da. Các loại nấm khác được tìm thấy trên bãi biển bao gồm loài Aspergillus có thể gây nhiễm trùng phổi và Candida có thể gây nhiễm trùng men. Tuy nhiên, các nhiễm trùng với Aspergillus và Candida thường phổ biến ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Giun tròn

Tại những bãi biển cho phép chó và các loại vật nuôi khác, thường xuất hiện loại Toxocara canis - một loại giun tròn ký sinh thường lây nhiễm qua răng nanh (theo ASM).

 

Người ta thường bị nhiễm T.canis bằng cách vô tình nuốt phải đất bị nhiễm phân chó có chứa trứng của T.canis.

Một nghiên cứu ở Pháp tiến hành năm 1990 cho thấy, T.canis là loại ký sinh trùng phổ biến trên bãi biển và một nghiên cứu khác ở Australia cũng đưa ra bằng chứng tìm thấy trứng của T.canis có trong hơn 250 mẫu cát từ bãi biển.

Theo Suckhoedoisong.vn/LS