Duy trì và mở rộng thành quả tiêm chủng

Cập nhật, 15:11, Thứ Sáu, 06/04/2018 (GMT+7)

Cùng với việc duy trì kết quả tiêm ngừa và hiệu quả phòng bệnh cao, bảo vệ thành quả thanh toán nhiều bệnh, năm 2018 sẽ đánh dấu một số loại vắc xin mới được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR).

Cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng thường xuyên hàng tháng tại trạm y tế.
Cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng thường xuyên hàng tháng tại trạm y tế.

Giai đoạn 2014- 2016, Việt Nam triển khai thành công chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella (do Ấn Độ sản xuất) cho hơn 23 triệu trẻ em (tới 14 tuổi) trong cả nước.

Qua đó góp phần kiểm soát dịch bệnh sởi- rubella, khi năm 2017 số ca mắc thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trước đó Việt Nam cũng đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và bảo vệ thành quả này trong hơn 17 năm qua.

Phản ứng, tai biến nặng sau tiêm: thấp

Năm 2017, cả nước ghi nhận 6.058 trường hợp phản ứng thông thường và 31 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

Cụ thể trong tổng số ca phản ứng thông thường, có 3.434 ca sốt từ 390C, 1.958 ca sưng đau tại chỗ, 505 ca có các triệu chứng quấy khóc, nôn ói, nổi mẩn ngứa... sau tiêm chủng vắc xin trong TCMR. Vắc xin ghi nhận nhiều trường hợp phản ứng là Quinvaxem, DPT, OPV, sởi- rubella.

Trong tiêm chủng dịch vụ, có 5 tỉnh- thành ghi nhận phản ứng thông thường, với các triệu chứng tương tự như TCMR.

Các vắc xin, Engerix B, Pentaxim, Cervarix, Verorab,... Còn với 4 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh thì cả 4 đều hồi phục.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, 30/31 trường hợp tai biến nặng sau TCMR được hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, đã kết luận nguyên nhân.

Trong đó, 4 trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ (13,3%); 16 trường hợp chưa rõ nguyên nhân, không liên quan tới tiêm chủng (53,4%); 10 trường hợp sốc phản vệ/phản ứng quá mẫn cảm sau tiêm chủng (33,3%).

Theo Cục Y tế dự phòng, các trường hợp tai biến nặng đều đã được tiêm chủng theo đúng quy trình. Tỷ lệ phản ứng thông thường và tai biến nặng sau tiêm đều thấp hơn so thống kê của Tổ chức Y tế thế giới.

Trên cơ sở kết quả TCMR năm 2017, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các sở y tế tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tuân thủ quy định đảm bảo an toàn tiêm chủng, giám sát phản ứng sau tiêm, tổ chức họp hội đồng cấp tỉnh để đánh giá, kết luận nguyên nhân và xử lý kịp thời;

thực hiện đầy đủ báo cáo định kỳ tình hình sử dụng vắc xin và phản ứng sau tiêm chủng trong TCMR lẫn tiêm chủng dịch vụ ngay cả khi không ghi nhận trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Đưa vào sử dụng nhiều vắc xin mới

Được sự hỗ trợ của Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin sởi- rubella. Tháng 3/2018, vắc xin này được đưa vào chương trình TCMR, bước đầu triển khai tại 4 tỉnh.

Kết quả, tính an toàn như vắc xin sởi- rubella đã sử dụng giai đoạn 2014-2016. Kế hoạch, tháng 4/2018 vắc xin sởi- rubella do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong TCMR.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cùng với việc tiếp tục cho trẻ 2- 3- 4 tháng tuổi uống 3 liều vắc xin bại liệt bOPV (vắc xin bại liệt 2 tuýp), Bộ Y tế sẽ đưa vắc xin bại liệt tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi vào chương trình TCMR kể từ tháng 8/2018.

Tương tự, vắc xin “5 trong 1” phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. 7 năm qua, vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 đã tiêm cho hàng triệu trẻ dưới 1 tuổi.

Nhưng hiện nay, nhà sản xuất vắc xin này đã ngưng sản xuất và số vắc xin còn lại chỉ sử dụng đến tháng 5 năm nay. Do đó, Bộ Y tế có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh.

Loại vắc xin 5 trong 1 chuyển đổi này sẽ sử dụng trên quy mô nhỏ tại 4 tỉnh, sau đó đưa vào sử dụng rộng rãi trên toàn quốc cuối quý II năm nay.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác về một số loại vắc xin mới sẽ được đưa vào chương trình TCMR năm 2018 và kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin phối hợp 5 trong 1 đến các bậc cha mẹ và cộng đồng.

Qua đó đạt mục tiêu kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin 5 trong 1 trong TCMR; để trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 đạt trên 90% và đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Trong kế hoạch truyền thông về một số loại vắc xin mới sẽ được đưa vào chương trình TCMR năm 2018, Bộ Y tế yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí 3 miền Bắc, Trung, Nam về nội dung này. Yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế, xây dựng trang thông tin (Fanpage, Zalo) để đăng tải kịp thời về vắc xin mới và chuyển đổi sử dụng vắc xin phối hợp 5 trong 1 trong TCMR...

Bài, ảnh: MINH THÁI