Phòng bệnh: chú trọng vào ý thức người dân

Cập nhật, 14:14, Thứ Sáu, 09/03/2018 (GMT+7)

Báo cáo của Sở Y tế ghi nhận những tháng đầu năm nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn tỉnh có giảm.

Dẫu vậy, năng lực y tế dự phòng và khâu điều trị được chỉ đạo không ngừng củng cố nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó là tuyên truyền giáo dục, nâng nhận thức phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe của người dân trong cộng đồng.

Khá đông bệnh nhân tại Khoa Nội tim mạch- Lão khoa thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Khá đông bệnh nhân tại Khoa Nội tim mạch- Lão khoa thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long (Sở Y tế), tính đến gần cuối tháng 2 năm nay, tại tỉnh ghi nhận 83 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 65% so với cùng kỳ 2017.

Tương tự, cùng SXH là 2 bệnh hầu như lưu hành quanh năm ở địa phương, tay chân miệng (TCM) các tháng đầu năm nay ca mắc bệnh giảm.

Đến nay cũng ghi nhận 105 ca bệnh TCM, giảm 41% so cùng kỳ. Đây là 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu.

Tuy vậy, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long- cho biết, hiện số bệnh này và bệnh lây truyền qua đường hô hấp “đang có chiều hướng gia tăng” so các tuần trước. Có thời điểm có bệnh tăng, có bệnh giảm đan xen nhau.

Chỉ là tiêu chảy, bệnh nhi 14 tháng tuổi này được đưa bệnh viện quá trễ, khi đã mất nước rất nặng đi kèm nhiều biến chứng. Tuy vậy, bác sĩ bệnh viện tỉnh cũng điều trị thành công.
Chỉ là tiêu chảy, bệnh nhi 14 tháng tuổi này được đưa bệnh viện quá trễ, khi đã mất nước rất nặng đi kèm nhiều biến chứng. Tuy vậy, bác sĩ bệnh viện tỉnh cũng điều trị thành công.

Ở các bệnh liên quan đến thời tiết và vẫn đang giai đoạn giao mùa Đông- Xuân, trong khi thủy đậu thống kê ca bệnh giảm nhẹ, thì quai bị lại có ca mắc tăng. 

Tới nay bệnh thủy đậu cộng dồn có 99 ca, giảm 6 ca (5,7%) so cùng kỳ 2017; bệnh quai bị tích lũy có 217 ca, tăng 129 ca (146,59%) so cùng thời gian.

Tháng qua, ngành y tế tỉnh ghi nhận một trường hợp bệnh sốt rét Plasmodium falciparum. Bệnh nhân là Trần Văn S., 43 tuổi (ngụ xã An Phước- Mang Thít).

Báo cáo từ Trung tâm Y tế huyện Mang Thít, qua điều trị bệnh nhân đã ổn định. Đây cũng là ca bệnh sốt rét đầu tiên năm nay tại tỉnh.

Tuy nhiên, Trung tâm Y tế dự phòng dự báo vẫn còn điều kiện thuận lợi của thời tiết mùa Đông Xuân, cộng với đầu năm là sự giao lưu và di biến động trong người dân tăng, dẫn đến nguy cơ một số dịch bệnh như cúm, thủy đậu, rubella, TCM, SXH sẽ gia tăng.

Trước tình hình trên, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết Sở Y tế chỉ đạo cơ quan y tế dự phòng triển khai các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch nhằm giảm số mắc, hạn chế tử vong.

Theo đó, cơ quan y tế dự phòng sẽ tăng cường giám sát ca bệnh, côn trùng, huyết thanh vi rút, ổ dịch cũ, có kế hoạch xử lý kịp thời, tránh bùng phát thành dịch lớn.

Phối hợp chặt chẽ, nhất là với ngành giáo dục để triển khai diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường trong trường học và cộng đồng nhằm ngăn ngừa đường lây truyền các dịch bệnh. Phối hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long và trung tâm y tế tuyến huyện tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, giám sát, điều tra xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế cơ sở.

Theo bác sĩ Nguyễn Công Tuấn- Phó Giám đốc Sở Y tế, ngoài đảm bảo các yêu cầu công tác chuyên môn của khối dự phòng và điều trị, thì truyền thông phòng chống dịch bệnh, nguy cơ bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng là rất quan trọng.

Ở đó sẽ chú trọng vào giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người dân nhằm chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe của mình.

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, sẵn sàng công tác chống dịch. Đặc biệt, theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân là việc tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc sử dụng vắc xin phòng bệnh (trong tiêm chủng mở rộng hoàn toàn miễn phí và cả các bệnh phải tiêm chủng dịch vụ). Vì đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ em và người lớn hiện nay.

Bài, ảnh: MINH THÁI