Xây dựng hệ thống y tế theo phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh"

Cập nhật, 15:42, Thứ Năm, 08/02/2018 (GMT+7)

Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình hành động để cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Trong thời gian tới, tỉnh chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.
Trong thời gian tới, tỉnh chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.

Nhiều thành tựu nổi bật

Trong thời gian qua, Vĩnh Long đã quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trong giai đoạn 2001- 2015, tỉnh đã triển khai thực hiện 8 chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân: Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm; vệ sinh an toàn thực phẩm; dân số, kế hoạch hóa gia đình…

Kết quả, số ca mắc các bệnh dịch giảm mạnh từ 23.254 cả năm 2010 xuống còn 8.465 cả năm 2015. Song song đó, tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực… nhằm phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo đó, số cơ sở y tế công lập tăng từ 117 cơ sở năm 2010 lên 126 cơ sở năm 2017. Trong đó, tuyến tỉnh tăng 4 cơ sở và địa phương tăng 5 cơ sở. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân tăng từ 4,91 bác sĩ (năm 2010) lên 6,8 bác sĩ (năm 2017). Số giường bệnh/10.000 dân tăng từ 17,53 (năm 2010) lên 26,36 giường bệnh (năm 2017) .

Theo ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiệu quả đáng ghi nhận là việc mở rộng triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần giảm tỷ lệ mắc và chết ở nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Các bệnh dịch nguy hiểm và lây lan được kiểm soát, khống chế như dịch cúm A (H1N1, H5N1, H7N9), dịch tiêu chảy cấp... Năm 2012, Bộ Y tế đã có quyết định công nhận loại trừ bệnh phong trên quy mô toàn tỉnh Vĩnh Long; công tác phòng, chống sốt rét, HIV/AIDS, bệnh lao, quản lý bệnh tâm thần đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và đội ngũ cán bộ y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Tỉnh thực hiện hiệu quả đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ tuyến trên xuống tuyến dưới theo Đề án 1816 để nâng cao chất lượng, trình độ tuyến dưới, giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên.

Ngoài ra, mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố và nâng cấp, trở thành nhân tố quyết định những thành công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hiện 109/109 trạm y tế có bác sĩ phục vụ; 100% ấp- khóm có nhân viên y tế thực hiện tốt công tác dự phòng và sơ cấp cứu ban đầu. Tính đến năm 2017, có 100% trạm y tế xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020.

Ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng

Tuy đạt được một số thành tựu nhưng theo đánh giá, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đối với ngành y tế tỉnh nhà vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, thách thức.

Đó là nhu cầu của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ngày càng tăng, trong khi ngân sách và nguồn lực dành cho ngành y tế có hạn.

Chính sách thu hút, khuyến khích, phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống y tế công lập chưa đáp ứng theo yêu cầu tình hình mới. Chất lượng dịch vụ y tế và một số chỉ số sức khỏe nhân dân giữa thành thị và nông thôn còn chênh lệch. Vẫn còn tình trạng phản ánh về tinh thần thái độ phục vụ, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế đối với người bệnh…

Tại hội nghị triển khai chương trình hành động này, ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngành y tế là nòng cốt.

Theo đó, Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, tới đây sẽ xây dựng hệ thống y tế theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y.

Một trong những giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển y học gia đình, đồng thời triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Tỉnh cũng chú trọng công tác dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật và đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở.

Ngoài ra, sẽ đổi mới cơ chế và phương thức hoạt động y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong chăm sóc và phòng bệnh cho người dân. Về nguồn lực, tỉnh cũng sẽ ưu tiên cho y tế dự phòng, dành ít nhất 30% ngân sách sự nghiệp y tế cho công tác dự phòng.

“Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.

Hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân, được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ tỉnh đến cơ sở trong phạm vi toàn tỉnh, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương- ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh”.

Theo Chương trình hành động số 24 của Tỉnh ủy, phấn đấu đến năm 2025: Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95% với 12 loại vắc xin.

 

Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 18,5‰; dưới 1 tuổi còn 12,5‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%; tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167cm, nữ 156cm.

 

Phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã- phường- thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ ĐH, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.

Bài, ảnh: BÙI THANH