Phòng ngừa thủy đậu và sởi, quai bị, rubella

Cập nhật, 15:57, Thứ Năm, 18/01/2018 (GMT+7)

 

Biện pháp hiệu quả nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm là cho trẻ ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe và tiêm chủng đầy đủ các bệnh đã có vắc xin.
Biện pháp hiệu quả nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm là cho trẻ ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe và tiêm chủng đầy đủ các bệnh đã có vắc xin.

Thời gian này, khi bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng giảm thì nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp đang có chiều hướng gia tăng như: cúm, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella.

Đây là những căn bệnh có thể khỏi sau vài ngày điều trị tích cực, song cũng rất nguy hiểm và để lại nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.

Hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ có trên 20 loại vắc xin phòng bệnh. Trong đó, những bệnh đang vào mùa như cúm, thủy đậu, quai bị, sởi, rubella đã có vắc xin phòng bệnh. 

Bệnh quai bị là bệnh lưu hành, có mầm bệnh là lây lan vì quai bị lây qua đường hô hấp, xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân, có nguy cơ bệnh lan rộng trong cộng đồng.

Với bệnh quai bị, nếu không điều trị chăm sóc tốt thì có thể đưa đến biến chứng như sưng tinh hoàn, tác hại lên buồng trứng, có thể dẫn đến vô sinh, hay viêm màng não. Biến chứng của bệnh sởi, nếu diễn tiến nặng có thể đưa đến viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, hoặc có thể gây tử vong.

Còn với bệnh thủy đậu (trái rạ) người ta sợ nhất là bệnh để lại sẹo do các nốt rạ nhiễm trùng. Một số trường hợp nặng có thể gây biến chứng ở não (gây viêm não) để lại di chứng nặng nề về thần kinh và khiến trẻ kém phát triển về trí tuệ sau này nếu qua khỏi bệnh…

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), thường thủy đậu theo mùa, thời điểm từ tháng 2- tháng 6 là vào mùa của nó. Bệnh này có đặc điểm trẻ từ 7 tuổi trở lên và em bé dưới 3 tháng tuổi bệnh sẽ nặng hơn, những người bị nặng thì nóng sốt, mệt mỏi nhiều hơn.

Bệnh này gây biến chứng nhiễm trùng da ở người lớn nhiều hơn trẻ nhỏ. Tuy nhiên, em bé dưới 3 tháng biến chứng viêm phổi nặng hơn. Đối với người lớn thì biến chứng viêm não, viêm tủy nhưng tỷ lệ thấp hơn.

Các cha mẹ cần biết rằng phòng ngừa hiệu quả bệnh thuỷ đậu hiện nay là chích ngừa. Vắc xin này không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì vắcxin này khá đắt. Thường chích ngừa loại này nên chích cho bé lúc 12 tháng tuổi sau đó 3, 4 tháng nhắc lại hoặc 4, 5 tuổi khi bé đi học thì nhắc lại.

Vì tiêm 1 mũi khả năng trẻ mắc bệnh cũng còn, thường phụ huynh không chịu chích theo tháng nhưng khi nghe đồn có bệnh thì lại ùn ùn đi chích gây nên tình trạng thiếu vắc xin ảo, mà hiệu quả phòng bệnh cũng chậm.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, khi thời tiết se lạnh và khô ráo là điều kiện thuận lợi cho 1 số vi khuẩn vi rút phát triển và gây bệnh đặc biệt là đối với trẻ em do trẻ em sức đề kháng của trẻ em còn yếu.

Do đó để phòng bệnh, ngoài sử dụng vắc xin phòng bệnh mọi người cần quân tâm dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh sạch sẽ tạo không khí thoáng mát thường xuyên vệ sinh cá nhân cho người lớn và trẻ em đặc biệt nên giữ ấm cho trẻ nhất là khi về đêm.

Khi chế biến thực phẩm nên tuân thủ đúng về an toàn vệ sinh thực phẩm, nên tập thói quen người lớn cũng như trẻ em thường xuyên rửa tay sạch sẽ giúp chúng ta loại trừ tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp và tiêu hóa.

Thời tiết thay đổi bất thường nên tình hình dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp, tăng giảm khó lường. Vì thế, việc chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân của mỗi người sẽ góp phần hạn chế sự lây lan và bùng phát thành dịch đối với các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG