Cảnh báo bệnh thủy đậu bắt đầu gia tăng từ tháng Một

Cập nhật, 14:43, Thứ Ba, 16/01/2018 (GMT+7)

 

Bác sỹ khám cho một bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ khám cho một bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng cho hay, trong năm 2017, số trường hợp mắc bệnh thủy đậu ở mức cao gần như khắp cả nước. 

Năm 2017, cả nước ghi nhận gần 40.000 ca bệnh, tăng gần 50% so với năm 2016. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số bệnh nhân thủy đậu cũng tăng 46%.

Đáng lưu ý số bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu bắt đầu có xu hướng tăng từ tháng Một, đạt đỉnh vào tháng Ba với số ca mắc bệnh khoảng 8.000 ca/tháng, trong khi trung bình các tháng khác dưới 3.000 người bệnh.

Cục trưởng Y tế Dự phòng cho hay, bệnh thủy đậu có tốc độ lây lan cao, trong khi phương pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay là tiêm vắcxin. 

Vắcxin phòng bệnh thủy đậu hiện nay vắc xin chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, mới có vắcxin dịch vụ, độ phủ vắcxin không cao nên miễn dịch cộng đồng không nhiều.

Biểu đồ về số ca mắc bệnh thủy đậu theo tháng trong hai năm qua.
Biểu đồ về số ca mắc bệnh thủy đậu theo tháng trong hai năm qua.


Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đi tiêm phòng bệnh tại các điểm tiêm có vắcxin này. 

Biểu hiện của bệnh thủy đậu gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Ở người khỏe mạnh, thủy đậu thường lành tính và ít để lại di chứng.

Phần lớn người bị thủy đậu thường tự khỏi và không để lại sẹo, tỷ lệ biến chứng chỉ 1% do nhiễm trùng huyết, viêm não.../.

Theo THÙY GIANG (VIETNAM+)