Phòng ngừa bệnh dễ gặp mùa giáp tết

Cập nhật, 06:51, Thứ Sáu, 15/12/2017 (GMT+7)

 

Trẻ từ 1- 6 tuổi đề kháng còn kém, cộng với thời tiết giao mùa dễ mắc một số bệnh truyền nhiễm.
Trẻ từ 1- 6 tuổi đề kháng còn kém, cộng với thời tiết giao mùa dễ mắc một số bệnh truyền nhiễm.

Mùa Đông Xuân- thời điểm giáp tết là điều kiện thuận lợi để nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển, đặc biệt là sởi, rubella, quai bị, thủy đậu, ho gà (chủ yếu ở miền Bắc), cúm mùa, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ...

Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long (Sở Y tế) cho biết, giao mùa Đông Xuân khi nhiệt độ hạ thấp, thời tiết se lạnh, không khí khô ráo là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh và gây bệnh. Bệnh rất phổ biến đối với trẻ em do sức đề kháng còn kém, thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

Sởi, rubella

Đây là 2 bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp.

Bệnh dễ lây lan thành dịch, đặc biệt ở trẻ em chưa được tiêm phòng sởi, rubella đầy đủ. Biểu hiện bệnh gồm sốt, phát ban và viêm đường hô hấp, chuyển nặng hơn sẽ có các biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não... rất dễ dẫn đến tử vong.

Để phòng bệnh, cần đưa trẻ 9-12 tháng tuổi đi tiêm vắc xin phòng sởi mũi một và tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ trên 18 tháng tuổi, tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ ở độ tuổi 1-14.

Phụ huynh chú ý không cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng; làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Viêm giác mạc, đau mắt đỏ

Vi rút gây viêm giác mạc xuất hiện nhiều nhất vào mùa xuân. Bị viêm giác mạc, không chỉ trẻ mà cũng xuất hiện ở người lớn, khiến chảy nước mắt, mắt bị đau và mẩn đỏ.

Viêm giác mạc là bệnh nguy hiểm nên trong mùa xuân thường gặp ở trẻ nhỏ, các bà mẹ hãy chú ý cho con đeo kính chắn bụi và tránh tới những nơi đông người, đồng thời với việc đi khám điều trị sớm.

Tiêu chảy và dịch bệnh tiêu chảy cấp

Có 2 loại là tiêu chảy thường và tiêu chảy cấp. Bệnh tiêu chảy cấp có thể do vi khuẩn, vi nấm, ký sinh trùng hoặc do nhóm vi rút đường ruột, đặc biệt là vi rút Rota (Rotavirus). Tiêu chảy do Rotavirus có thể gặp quanh năm nhưng thường gặp ở mùa Đông Xuân với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh này là do ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn, thức ăn nguội dẫn đến các chứng trướng bụng, đau bụng, tiêu chảy ở trẻ em. Người bị tiêu chảy cấp thường nôn mửa, sau đó là đi ngoài nhiều lần, mất nước nhiều, có thể dẫn đến trụy mạch thậm chí là tử vong nếu không kịp thời bổ sung nước cho cơ thể.

Tiêu chảy cấp dù dễ chữa nhưng có bà mẹ thường nhầm sang sốt cảm lạnh, mọc răng, dẫn tới hậu quả trẻ bị mất nước trầm trọng.

Để phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ vào mùa Đông Xuân, phụ huynh lưu ý: đưa bé đi tiêm vắc xin ngừa Rotavirus ngay từ 6 tuần tuổi; đảm bảo trẻ ăn chín uống sôi, ăn chậm nhai kỹ; tăng cường dinh dưỡng để đủ miễn dịch; tránh tiếp xúc với chó, mèo; đặc biệt là giữ vệ sinh cho bé như rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Cẩn thận cho trẻ, cho cả người lớn để hạn chế lây truyền bệnh. Trong ảnh: Một người dân (bệnh nhân) hút thuốc lá trước nhiều người khác.
Cẩn thận cho trẻ, cho cả người lớn để hạn chế lây truyền bệnh. Trong ảnh: Một người dân (bệnh nhân) hút thuốc lá trước nhiều người khác.

Liên cầu lợn

Bệnh hầu như hay gặp nhất ở cánh đàn ông, do sở thích ăn tiết canh lòng lợn (heo). Bệnh lây từ động vật sang người, thường tăng cao vào các tháng đầu năm.

Để phòng bệnh, người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, nội tạng và các sản phẩm từ thịt heo chưa được nấu chín. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, có tiền sử chăn nuôi giết mổ heo bệnh, chết hoặc sản phẩm từ heo không đảm bảo vệ sinh thì cần đến ngay cơ sở y tế để can thiệp.

Bác sĩ khuyến cáo, với các bệnh truyền nhiễm có vắc xin ngừa thì phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng tạo miễn dịch phòng bệnh.

Với bệnh phụ thuộc vào môi trường sống, lối sống, người dân nên chú ý lời khuyên bác sĩ để hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh của con em.

Ngoài các bệnh ở mùa Đông Xuân trên, người dân cũng cần cảnh giác với bệnh tay chân miệng và bệnh sốt xuất huyết lưu hành thường xuyên. Bởi 2 bệnh này ngăn ngừa dựa vào ý thức người dân, chứ chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu.

  • Bài, ảnh: MINH THÁI