Chăm sóc "thiên thần nhỏ" mùa se lạnh

Cập nhật, 16:53, Thứ Sáu, 22/12/2017 (GMT+7)
Trời trở lạnh, trẻ em cần giữ ấm đúng cách để phòng bệnh.
Trời trở lạnh, trẻ em cần giữ ấm đúng cách để phòng bệnh.

Khi thời tiết trở lạnh cũng là lúc các bệnh trẻ em tăng cao. Vì vậy, các ông bà, cha mẹ cần một chế độ chăm sóc đặc biệt cho các “thiên thần nhỏ” từ chuyện ăn uống, vệ sinh cho đến giữ ấm.

Phòng bệnh hô hấpkhi tiết trời trở lạnh

Vài ngày nay thời tiết se lạnh, bé Khoai Tây 15 tháng bị sổ mũi (có dịch mũi đặc vàng), khàn tiếng và ho nhiều. Bác sĩ khám chẩn đoán bé bị nhiễm siêu vi, chị Nguyễn Hồng Chi- mẹ bé- yên tâm chăm sóc và theo dõi bệnh bé tại nhà.

Chị Chi chịu khó mỗi ngày rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho con 5- 6 lần. Chị cho bé uống thêm nhiều nước ấm, nước mật ong ấm để bé đỡ khó chịu khi ho. Ngoài ra, chị cho con ăn những gì bé thích, với thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu như súp, cháo; chia nhỏ bữa ăn và khuyến khích con ăn thêm trái cây để tăng sức đề kháng.

Anh Bùi Minh Tâm (Phường 2- TP Vĩnh Long) lo lắng khi con gái An Nhiên 2 tuổi bị ho, sốt, sổ mũi gần 1 tuần chưa giảm.

Anh cho biết: “Con sốt trên 38 độ, đưa đi khám thì bác sĩ nói con bị sốt siêu vi, theo dõi tại nhà. Tới ngày thứ 6 con vẫn cứ tái sốt, ho nhiều. Bác sĩ cho thử máu nói con bệnh viêm phế quản do vi khuẩn gây viêm nhiễm, phải điều trị kháng sinh”.

Trong những tuần gần đây, lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế không ngừng tăng.

Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long mỗi ngày tiếp nhận điều trị ngoại trú khoảng 170 bệnh và nội trú trên dưới 110 bệnh. Trong đó, trẻ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp và đường tiêu hóa chiếm hơn 60%.

BS CK2 Võ Thị Thu Hương- Trưởng Khoa Nhi cho biết: “Thời tiết trở lạnh thì số bệnh nhi đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng khoảng 20%. Trong đó, bệnh lý về đường hô hấp chiếm đa số như viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, hen phế quản hay viêm phổi, có thể diễn biến phức tạp như suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng”.

Các bệnh về hô hấp thường ở thể nhẹ nhưng cũng có thể diễn biến nặng và nguy hiểm. Do đó, để phòng các bệnh về đường hô hấp cho trẻ, cha mẹ cần chú ý: uống đủ nước, ngủ đủ giấc, bú đủ sữa vẫn là cách phòng bệnh tốt nhất. Khi đi ra ngoài cần giữ ấm đầu, cổ, bàn chân và đặc biệt là đừng để trẻ hít trực tiếp không khí lạnh vào phổi.

Trẻ nên tắm nước ấm cho đến 5 tuổi, khi tắm nên chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, tránh gió lùa. 30 phút đầu sau tắm cũng quan trọng mà cha mẹ không để ý (trùm khăn, lau khô, thay nhanh quần áo, không đi ra ngoài ngay). Mùa lạnh trẻ sơ sinh có thể tắm cách 1- 2 ngày, tắm nhanh, lau khô.

Không khí và gió lạnh khiến nhiều ba mẹ muốn giữ kỹ bé trong phòng. Tuy nhiên, cũng nên cho con ra ngoài trời bởi giữ bé trong phòng kín lâu sẽ khiến bé dễ mắc bệnh hơn.

Phòng bệnh khô damùa lạnh cho bé

Da của trẻ nhỏ vô cùng mỏng manh, sức đề kháng kém, dễ bị viêm nhiễm và tổn thương, đặc biệt là khi thời tiết lạnh.

Ngoài ra, do chất bã nhờn, vi khuẩn tích tụ nhiều hơn trên bề mặt da khiến cơ thể dễ mắc phải các bệnh lý về da như: viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, khô da, vẩy nến, chàm, cước tay chân, da nứt nẻ…

Theo fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” của bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh thuộc Bệnh viện Nhi đồng (TP Hồ Chí Minh), trẻ khô da có thể do chàm, mùa lạnh trẻ sẽ bị nhiều hơn, khô da nặng có thể làm trẻ nứt da chảy máu, gây khó chịu, khó ăn, khó ngủ.

Trẻ sẽ dễ khô da hơn nếu tắm quá lâu (không nên quá 10 phút), do dùng một số loại xà bông gây mất chất nhờn tự nhiên của da. Khi trẻ đang khô da nên tắm nhanh bằng nước ấm không quá 5 phút, khi lạnh không cần thiết phải tắm mỗi ngày, dùng kem giữ ẩm ngay sau tắm.

Khi trẻ khô da nên đến bác sĩ chuyên về da liễu để tìm các nguyên nhân có thể, tránh bệnh tái phát. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: ăn nhiều loại rau có màu đậm, củ quả như cà rốt, dưa, cam...

Đối với trẻ sơ sinh thì khả năng nhiễm bệnh càng cao do cơ thể trẻ non yếu, khả năng ổn định thân nhiệt chưa tốt. Vì vậy, cha mẹ tuân thủ lịch tiêm ngừa để giúp con sẵn sàng bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn xâm nhập. Cho bé bú sữa mẹ càng nhiều càng tốt; với bé ở độ tuổi biết ăn thì cung cấp dinh dưỡng hợp lý. Việc giữ ấm cho trẻ sơ sinh nên chú trọng nhiều ở vùng thóp, ngực; với bé lớn hơn thì chú ý giữ ấm chân, tay, ngực.

 

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG