Cần dự phòng lây truyền HIV

Cập nhật, 18:18, Thứ Sáu, 01/12/2017 (GMT+7)

Dù khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,26% dân số, song trước đại dịch HIV đang tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng và can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây truyền HIV trên các đối tượng, nhất là đối tượng có nguy cơ cao .

Các phòng khám ngoại trú trên địa bàn tỉnh quản lý và điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV cho hơn 1.100 bệnh nhân HIV/AIDS.
Các phòng khám ngoại trú trên địa bàn tỉnh quản lý và điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV cho hơn 1.100 bệnh nhân HIV/AIDS.

Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Tăng cường các biện pháp dự phòng và tuyên truyền giúp người dân hiểu đúng về căn bệnh HIV/AIDS là một trong những giải pháp được ngành y tế triển khai, nhằm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV. Trong đó, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai ở hầu hết các cơ sở y tế trong tỉnh.

Thai phụ đến khám được tư vấn về mục đích, ý nghĩa cũng như hiệu quả của việc xét nghiệm HIV và điều trị dự phòng để hạn chế lây truyền HIV cho con khi chẳng may bị nhiễm.

Qua đó, nhiều người đã thông hiểu và tự nguyện xét nghiệm máu để chủ động dự phòng cho con. Chị Nguyễn Thùy An (xã Thanh Đức- Long Hồ) cho biết: “Qua tư vấn xét nghiệm HIV trong khi mang thai tôi thấy cũng rất cần biết trước để mình dự phòng sau khi sanh chăm sóc tốt cho bé, không bị lây nhiễm”.

Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, nói: “Một người mẹ bị nhiễm HIV không được điều trị dự phòng thì khả năng lây truyền cho con từ 30– 40%, là gần phân nửa đứa trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.

Nếu chúng ta điều trị dự phòng càng sớm trong thời gian mang thai thì khả năng lây truyền cho trẻ rất thấp, có thể giảm xuống tới 3%. Thậm chí, tải lượng vi rút thấp thì tỷ lệ dự phòng lây truyền sang con đến 0%”.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ sang con khi chưa tiến hành các can thiệp dự phòng là rất cao. Nếu người mẹ được điều trị bằng thuốc ARV sớm thì sẽ có trên 97 trong số 100 trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV không bị nhiễm HIV.

Ngược lại, nếu người mẹ không được điều trị ARV, hoặc điều trị ngắt quãng thì sẽ chỉ có 50- 75 trẻ không bị nhiễm HIV.

Chính vì hiệu quả cao và tính nhân văn sâu sắc, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được các địa phương quan tâm triển khai trên phạm vi cả nước.

Từ việc truyền thông để tăng hiểu biết của người dân đến cung cấp dịch vụ xét nghiệm, điều trị, chăm sóc cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ.

Nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân AIDS

Đoàn công tác của Cục Phòng chống HIV/AIDS đến làm việc tại Phòng khám Ngoại trú người lớn, nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Đoàn công tác của Cục Phòng chống HIV/AIDS đến làm việc tại Phòng khám Ngoại trú người lớn, nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Công tác giám sát, phát hiện, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân AIDS cũng được ngành y tế Vĩnh Long  chú trọng.

Thông qua các phòng tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí đặt tại các địa phương trong tỉnh, năm 2017 đã có hơn 13.000 người được tư vấn, xét nghiệm và giải đáp các thắc mắc về căn bệnh thế kỷ HIV.

Riêng các phòng khám ngoại trú cũng đã quản lý và điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV cho hơn 1.100 bệnh nhân HIV/AIDS.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Dân, quyền Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV AIDS tỉnh Vĩnh Long, tình hình dịch HIV mặc dù có giảm đi nhưng diễn biến phức tạp. Đây cũng là khó khăn cho ngành y tế, cụ thể là chương trình phòng chống HIV/AIDS.

"Từ đây và những năm tiếp theo, chương trình phòng chống AIDS tổ chức sàng lọc HIV cộng đồng, mọi người nên quan tâm và đến cơ sở sàng lọc HIV.

Nếu phát hiện HIV dương sẽ được điều trị sớm để đạt kết quả về sức khỏe, hạn chế lây nhiễm HIV cho gia đình và cộng đồng”- bác sĩ Dân cho biết.

Theo đánh giá của ngành y tế, dịch HIV/AIDS ở tỉnh bắt đầu lan ra các nhóm có nguy cơ thấp và lan ra cộng đồng chủ yếu qua đường tình dục. HIV mới vẫn còn tập trung ở nam nhiều hơn nữ, chủ yếu thuộc độ tuổi từ 25 – 49 tuổi.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã phát hiện trên 2.850 trường hợp nhiễm HIV, trong đó, có trên 1.530 trường hợp đã chuyển sang AIDS và 800 trường hợp đã tử vong. Theo dự báo, lây nhiễm HIV có chiều hướng tăng.

Vì thế, việc trang bị thêm kiến thức phòng chống căn bệnh này là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe chính mình, người thân và cộng đồng.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG