Trẻ bị nhiễm giun và cách phòng ngừa

Cập nhật, 05:36, Thứ Sáu, 24/11/2017 (GMT+7)

Con tôi năm nay 4 tuổi, hay kêu đau bụng, buồn nôn, bụng chướng, da không được hồng hào. Tôi nghĩ cháu bị nhiễm giun nhưng không biết có đúng không. Xin bác sĩ tư vấn giúp?

Nguyễn Thị Loan (Ngãi Tứ - Tam Bình)

Trả lời: Con bạn 4 tuổi, ở lứa tuổi mẫu giáo cháu rất dễ nhiễm giun, ví dụ như một trẻ trong lớp bị nhiễm giun kim khi trẻ bò hoặc ngồi chơi dưới đất, trứng giun kim sẽ rơi ra đất rồi theo tay hoặc đồ chơi vào miệng.

Như vậy, trẻ dễ bị lây cho nhau hoặc tự làm cho mình bị nhiễm trứng giun của chính mình.

Phụ huynh có thể nhận biết trẻ bị nhiễm giun qua một số biểu hiện sau: Về tiêu hóa, trẻ ăn uống kém hoặc có trường hợp vẫn ăn tốt nhưng không tăng cân, đau bụng vùng quanh rốn hoặc thành cơn ở hố chậu phải. Trẻ có nhiều giun đũa thì thường đau khi đói.

Trẻ có thể nôn, có thể có biểu hiện lợm giọng, buồn nôn lúc thức dậy vào buổi sáng. Một số trẻ có biểu hiện tiêu phân lỏng hoặc nhão, không thành khuôn. Khi có quá nhiều giun có thể thấy giun khi trẻ nôn hoặc đi ngoài ra giun.

Trẻ có biểu hiện thiếu máu, da xanh xao, bụng to, khó ngủ, đêm ngủ hay trằn trọc, có thể hay nằm sấp, kém tập trung chú ý.

Nếu bị nhiễm giun, trẻ có biểu hiện ngứa hậu môn, hậu môn có thể bị viêm đỏ, bé gái có thể bị viêm âm đạo, một số trẻ có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, kém ăn do ấu trùng di chuyển lên phổi, xét nghiệm thấy lượng bạch cầu ưa axit tăng, xét nghiệm phân thấy trứng giun.

Bạn nên đưa con đến trung tâm y tế huyện hoặc trung tâm y tế dự phòng tỉnh để được các bác sĩ thăm khám, xét nghiệm và có hướng điều trị thích hợp.

BS PHAN GIA HOÀNG (Trung tâm TT- GDSK Vĩnh Long)