Bệnh tiểu đường thai kỳ- chớ chủ quan!

Cập nhật, 05:40, Thứ Sáu, 24/11/2017 (GMT+7)

Bệnh tiểu đường thai kỳ (TĐTK) là một bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe của mẹ và bé nếu như không được theo dõi phát hiện và điều trị hợp lý.

Do vậy, sản phụ cần phải tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ và theo dõi thai sát để phòng ngừa các biến chứng cho mẹ và bé. Song, không như các dạng bệnh tiểu đường khác, TĐTK thường tự khỏi sau khi bé chào đời.  

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- tư vấn dinh dưỡng định kỳ cho thai phụ.
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- tư vấn dinh dưỡng định kỳ cho thai phụ.

Thai phụ cần kiểm soát thèm ăn ngọt

Vừa qua, Khoa Phụ sản- Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận một trường hợp thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ và thai nhi chết lưu khi được 37 tuần tuổi.

Theo thai phụ, mỗi lần khám thai định kỳ, bác sĩ cảnh báo có nguy cơ mắc bệnh TĐTK và tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Song vì thèm ăn ngọt và ăn rất nhiều bánh kẹo, trà sữa,… dẫn đến hậu quả khi thai 37 tuần, không thấy thai máy, đi khám mới phát hiện thai nhi chết lưu trong bụng mẹ.

Khi mang thai con thứ 2, chị T.N.H. (Phường 4- TP Vĩnh Long) cũng… thèm ăn ngọt. Dù đã tiết chế, song chị được chẩn đoán bệnh TĐTK.

Chị lo lắng: “Đường huyết đo khi đói trên mức 100 mg/glucose. Bác sĩ yêu cầu ăn uống theo chế độ lành mạnh và hẹn 1 tuần kiểm tra lại.

Hiện tôi đang ăn uống theo chế độ giảm tinh bột, bỏ thức ăn ngọt, tăng rau xanh và tập thể dục nhẹ nhàng. Song, đang lo ăn uống kiêng quá không biết có ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé không nữa”.

Chị P.H.N. (Phường 2- TP Vĩnh Long) vừa trải qua một thai kỳ vất vả với nhiều biến chứng. Trong thời gian mang thai, chị đi khám đúng lịch hẹn và làm đầy đủ các loại xét nghiệm cần thiết đối với bà bầu.

Song, khi thai được hơn 33 tuần, huyết áp chị cao, bác sĩ cho làm kiểm tra các xét nghiệm máu, xét nghiệm dung nạp glucose, xét nghiệm nước tiểu 24 giờ thì bác sĩ chẩn đoán tiền sản giật, TĐTK, thai to dọa sinh non, dư ối.

“Chị phải nhập viện điều trị tích cực để dưỡng thai đến tuần thứ 36 rồi mổ bắt con luôn. Mẹ tròn con vuông, không chỉ cả nhà chị mừng mà ekip bác sĩ cũng mừng lắm.

Lỗi cũng phần do chị, chủ quan làm hết xét nghiệm thấy thai kỳ ngon lành nên lờ lời khuyên bác sĩ mà chiều cái miệng hảo ngọt, ăn nhiều chè nước cốt dừa, bánh ngọt nên suýt gây nguy hại cho 2 mẹ con”.

Đừng chủ quan với TĐTK

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, người mẹ mang thai tiết insulin không đủ nên không hấp thu được đường vào trong cơ thể dẫn đến không thể chuyển hóa đường glucose thành năng lượng.

Nguyên nhân do sản phụ ăn nhiều đồ ngọt, thực phẩm dầu mỡ, hút thuốc, huyết áp cao, lười vận động.

Điều quan trọng chúng ta phải tầm soát TĐTK từ tuần thứ 24 và khi có bệnh phải điều trị cho đường huyết ổn định để phòng khi đường cao trong máu truyền qua em bé dẫn đến những biến chứng cho mẹ và bé.

TĐTK gây nguy hiểm đến sức khỏe cho mẹ và bé, TS.BS Hồ Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Sản phụ bị TĐTK thường thai to, nên tăng tỷ lệ sinh mổ, có khả năng nhiễm trùng đường mổ, dễ xảy ra biến chứng khi sinh như tiền sản giật.

Và, người mẹ sau sinh dễ có nguy cơ bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Đối với thai nhi, sẽ dễ có nguy cơ bé đột tử trong bụng mẹ trong những tuần cuối thai kỳ; bé có nguy cơ bị béo phì hoặc bị tiểu đường về sau”.

Tầm soát TĐTK được thực hiện khi mang thai 24- 28 tuần.  90% nguy cơ của bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng chế độ ăn uống hợp lý và vận động, thể dục đều đặn, tình trạng bệnh sẽ từng bước được khống chế, đẩy lùi hiệu quả trong 3- 7 tuần.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng, nếu sản phụ được chẩn đoán bệnh TĐTK thì cần nên khám thai và tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ từ chế độ ăn uống lành mạnh (hạn chế tối đa thức ăn chứa đường, chia nhỏ các bữa ăn, không ăn quá no và tuyệt đối không bỏ bữa sáng); thể thao cho bà bầu hợp lý.

Với những trường hợp bệnh nặng, thai phụ phải tuân thủ chỉ định điều trị, chích thuốc insulin hỗ trợ để hạ đường huyết.

Ngoài ra, phải tái khám đúng lịch hẹn để kiểm soát đường huyết cho thật tốt để làm giảm các biến chứng có thể xảy ra trên mẹ và bé.

Theo các chuyên gia y tế, tuy chỉ có 5- 10% các bà mẹ mắc TĐTK sẽ bị tiểu đường tuýp 2 ngay sau sinh, nhưng có đến 50% những người được chuẩn đoán TĐTK sẽ mắc tiểu đường tuýp 2 trong vòng từ 5- 10 năm sau đó. Điều này thực sự rất nguy hiểm. Bởi nó gây ra tâm lý chủ quan cho người bệnh.

Đa phần phụ nữ sau sinh cho rằng mình đã khỏi bệnh và họ lãng quên việc kiểm tra đường huyết những năm sau đó. Hậu quả là nhiều trường hợp phát hiện ra bị tiểu đường thì đã có dấu hiệu tổn thương của các biến chứng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN