Phòng sốt xuất huyết: Đơn giản là biết kiểm soát lăng quăng

Cập nhật, 14:09, Thứ Sáu, 14/07/2017 (GMT+7)

Đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) của Bộ Y tế làm việc tại tỉnh Vĩnh Long đã chỉ ra rằng: phòng chống SXH ở tỉnh sẽ đơn giản hơn, bởi chỉ cần kiểm soát lăng quăng (chủ yếu tập trung ở lu, hũ chứa nước sử dụng hàng ngày của người dân) để hạn chế sinh sôi muỗi là có thể hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh trong cộng đồng.

Người dân tìm hiểu thông tin phòng chống SXH qua đối thoại với ngành y tế tỉnh.
Người dân tìm hiểu thông tin phòng chống SXH qua đối thoại với ngành y tế tỉnh.

Nhiều yếu tố khiến SXH tăng cao

Bác sĩ Trần Văn Út- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long- cho biết, số ca mắc SXH toàn tỉnh tính tới cuối tháng 6 này là 742 ca, tăng 50% so cùng kỳ 2016 (494 ca).

Số ca mắc SXH ở trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 66%. Số ổ dịch bệnh được phát hiện xử lý là 63/63 ổ dịch. Các huyện có số ca mắc cao là Long Hồ, Mang Thít; huyện có số mắc tăng cao so cùng kỳ là Tam Bình, Trà Ôn.

Với số mắc năm nay so cùng kỳ năm ngoái là 168/124 (tăng 35%), Long Hồ hiện có số ca bệnh chiếm cao nhất trong các địa bàn huyện.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hồng- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ- cho rằng, dù BCĐ và tuyến xã đã làm hết sức mình trong tuyên truyền phòng chống dịch nhưng bệnh vẫn tăng cao. Long Hồ có địa bàn trải rộng, lại có khu công nghiệp đóng trên địa bàn nên đó cũng là một trong các nguy cơ để ca bệnh SXH chiếm cao.

Số lượng không cao so với địa bàn khác, nhưng có số ca mắc bệnh tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 là Trà Ôn với 69/28 (tăng 146%).

Bác sĩ Phạm Minh Phước- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Ôn- cho rằng đặc thù Trà Ôn là nhiều năm nay phát triển vườn cây ăn trái ồ ạt và đó là một trong các điều kiện nguy cơ làm cho mật độ côn trùng lây truyền SXH tăng cao.

Bác sĩ Trần Văn Út tóm tắt tình hình diễn biến bệnh SXH từ đầu năm đến nay tại tỉnh: số mắc tăng cao ngay từ tháng 1/2017 và giảm trong tháng 3, 4. Đến tháng 5, ca bệnh tăng cao và kéo dài liên tục đến nay.

Ca mắc SXH xảy ra rải rác các ấp tại các xã và trên 50% số xã của các huyện có ca bệnh. Tuy nhiên, đáng mừng là đến nay toàn tỉnh không có trường hợp tử vong.

PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn giám sát trọng điểm phòng chống SXH tại tỉnh Vĩnh Long- hôm 12/7 đã lưu ý thêm: Ngoài số ca bệnh tăng cao, hiện tại tỉnh cũng xuất hiện ca bệnh với chủng vi rút Dengue 2 bên cạnh Dengue 1. Nguy cơ một người có thể mắc 2 chủng vi rút này và bệnh có thể nặng hơn.

 

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh Vĩnh Long: Phòng dịch là quan trọng

 

BCĐ tỉnh sẽ chỉ đạo và phối hợp ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp tuyên truyền, xây dựng giúp nâng cao ý thức người dân để phòng chống SXH. Vấn đề diệt lăng quăng là “mấu chốt” để phòng SXH. BCĐ tỉnh yêu cầu BCĐ các địa phương triển khai ngay yêu cầu của cơ quan chuyên môn, chỉ đạo thực hiện, phối hợp các hội đoàn thể để lồng ghép tuyên truyền phòng chống SXH rộng rãi trong cộng đồng.

 

 

Kiểm soát lăng quăng mỗi nhà dân

Tham gia giám sát SXH tại tỉnh, bác sĩ Lương Chấn Quang- Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn thuộc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh- cho rằng: Tình hình là căng thẳng, khi số liệu ca bệnh tại tất cả các huyện- thị- thành đều tăng và cao nhất 10 năm gần đây.

“Ca bệnh tăng cao từ đầu năm chứ không đợi tới mùa mưa mới tăng. Điều này kết hợp chỉ số véc tơ truyền SXH trên địa bàn cao, dẫn đến dịch bệnh nguy cơ bùng phát rất lớn”- bác sĩ Lương Chấn Quang chia sẻ thêm.

Nhìn ở góc độ điều trị, bác sĩ Đinh Tấn Phương- Khoa Cấp cứu thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh- cho rằng, với 44 ca nặng trong 230 ca SXH vào điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long 6 tháng qua là không cao.

Không ca bệnh nào giống ca nào về các diễn biến nặng sau đó khi mắc SXH. Bác sĩ Đinh Tấn Phương cho là “may mắn” với Vĩnh Long trong tình hình SXH phức tạp tại khu vực phía Nam hiện nay.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, phòng chống bệnh lây truyền qua đường véc tơ nói chung, trong đó có SXH đòi hỏi nếu chỉ nỗ lực của ngành y tế là không đủ, mà còn là các ngành, đoàn thể, đặc biệt hệ thống BCĐ phòng chống dịch bệnh cấp xã- phường và trưởng các ấp- khóm.

Tập trung vào BCĐ phòng chống dịch bệnh cấp xã, để từ đó bám sát vào dân kiểm tra, giám sát công tác phòng chống SXH. Chỉ cần nắm rõ nhà nào chưa hoặc làm không tốt việc diệt lăng quăng để tuyên truyền thì kết quả sẽ khả quan.

PGS.TS Phan Trọng Lân nói: “Cứ tập trung tuyên truyền cho người dân ý thức diệt lăng quăng trong lu, khạp, bể chứa nước tại nhà mình hàng tuần là hạn chế muỗi sinh sôi, gây bệnh”.

Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh còn đưa khuyến cáo, 1 người mắc SXH thì kèm theo 4 người mang côn trùng bên mình. Nên 4 người đó có khả năng bất cứ lúc nào cũng bị SXH. Vì vậy, phòng SXH “không phải chỉ là bề nổi” (ở người mắc bệnh) mà còn là dự phòng cho các trường hợp nguy cơ cao.

 

 

PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh: Xài hết lu nước này mới sang lu nước khác

 

Cứ tập trung truyền thông vào việc diệt lăng quăng ở lu, hũ chứa nước sinh hoạt hàng ngày; lật úp đổ bỏ những dụng cụ chứa nước phế thải quanh nhà; súc rửa lu có lăng quăng và đậy kín nắp các lu, khạp, bể chứa nước dùng. 

Bà con ta có thói quen trữ nước mưa, nước sông lắng sạch để dùng dần. Bà con nên xài hết lu nước này rồi mới mở nắp xài sang lu nước khác, tránh cứ xài lỡ nhiều lu, rồi đậy nắp không kỹ, tạo điều kiện cho lăng quăng sinh sôi, sinh muỗi.

 

  • Bài, ảnh: MINH THÁI