Gãy chân, bó thuốc, nằm 4 tháng trời mới đi bác sĩ

Cập nhật, 16:44, Thứ Sáu, 23/06/2017 (GMT+7)

 

Nhân viên y tế bệnh viện và mẹ bệnh nhân Phước (bà Lê Thị Thủy) chăm sóc phục hồi sau lần phẫu thuật thứ 2 cho anh.
Nhân viên y tế bệnh viện và mẹ bệnh nhân Phước (bà Lê Thị Thủy) chăm sóc phục hồi sau lần phẫu thuật thứ 2 cho anh.

Bệnh nhân va quẹt xe khiến bị gãy, bể toàn bộ xương chân bên phải (xương đùi, bánh chè, cẳng chân, mắt cá) nhưng “bó thuốc Nam để lành”. Rồi vết thương cũng... lành nhưng nằm “liệt giường” không thể đi đứng, sinh hoạt lại bình thường được. Bệnh viện Đa khoa TP Vĩnh Long vừa tiếp nhận và can thiệp y khoa trường hợp trên.

Bệnh nhân nam 31 tuổi Nguyễn Hữu Phước (xã An Khánh, huyện Châu Thành- Đồng Tháp) kể trong một lần đi tiệc về bị va quẹt xe, té ngã và chấn thương nghiêm trọng. Nhưng thay vì đi bệnh viện, bệnh nhân và người nhà “nghe nói có thầy bó thuốc Nam hay...” nên không đi bệnh viện.

Bà Lê Thị Thủy (49 tuổi) là mẹ anh Phước, nói ban đầu bó thuốc cũng đỡ, thầy “đảm bảo bó lành”. Sau một thời gian, bà thấy tình trạng con mình đỡ nhưng rồi nằm “liệt giường” và bà phải bỏ công ăn việc làm để chăm sóc. Từ khi anh Phước bị thương hồi 30 tết đến nay, tính ra thời gian tự đi thầy bó thuốc và ở nhà nằm đó đến nay cũng đã hơn 4 tháng trời.

Trái gió trở trời vẫn đau nhức, rồi nghe “người ta nói quá” và chỉ bảo, nên bà khăn gói đưa anh Phước xuống Bệnh viện Đa khoa TP Vĩnh Long để thăm khám, điều trị.

Vào viện đầu tháng 6 này, bác sĩ cho đây là trường hợp rất phức tạp. Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Hùng- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Vĩnh Long- cho biết: Đây là trường hợp tai nạn chấn thương rất đặc biệt. Hy hữu ở chỗ vừa gãy phần xương đùi, dập bánh chè, gãy xương cẳng chân và bể mắt cá.

“Hồi nào giờ chưa gặp trường hợp đặc biệt như vậy”- bác sĩ Đoàn Văn Hùng nói “càng thêm hy hữu ở chỗ bệnh nhân bó thuốc Nam điều trị và nằm nhà mấy tháng trời”.

 

Cận cảnh cái chân phải bị gãy xương toàn bộ, sau ca phẫu thuật.
Cận cảnh cái chân phải bị gãy xương toàn bộ, sau ca phẫu thuật.

Ê kíp bác sĩ chuyên khoa Ngoại của bệnh viện đã phẫu thuật lần 1 cho bệnh nhân để sắp xương và kéo cơ lại vì các bộ phận xương của chân đã dính lại và phần cơ thì co rút. Bệnh nhân được kéo tạ, tập vật lý trị liệu và hôm 13/6 rồi đã được tiến hành phẫu thuật lần 2 để tiếp tục điều trị, hồi phục.

“Hiện tui còn đau nhức từng phần, khi thì đùi, khi cẳng chân, nhưng thấy đỡ hơn lúc mới vào bệnh viện mổ lần đầu nhiều”- anh Phước cho biết. Mẹ anh thì “mừng rồi”, vì lúc con nằm ở nhà và khi mới vào viện “thấy lo gì đâu”.

Theo bác sĩ Đoàn Văn Hùng, hiện bệnh nhân được tiếp tục điều trị để bình ổn, phục hồi tình trạng và chờ ngày xuất viện.

Vẫn còn một cuộc phẫu thuật nữa để lấy thiết bị can thiệp trong xương, khi bệnh nhân xuất viện đủ năm và cái chân hồi phục bình thường. Bà Lê Thị Thủy nói, ở quê bà làm thuê, con trai thứ hai là Phước thì đi làm mướn.

Sau vụ việc và quá trình tự “điều trị” theo bài dân gian, nhà bà chẳng mần mụn được gì. Bi hài thay, bà kể thêm sau khi con trai bị tai nạn, con dâu lại bỏ đi, không chăm sóc chồng.

Khi hỏi muốn chia sẻ gì qua sự vụ của mình, anh Phước dẫu còn đau nhức nhưng khuôn mặt đã tươi tỉnh: lần này coi như lỡ rồi, mai mốt sẽ có ý hơn trong sinh hoạt và cuộc sống.

Đã quen nuôi đứa con “nằm ình” đó gần nửa năm nay từ thầy này qua thuốc nọ, giờ bà Lê Thị Thủy thấy ổn: “Mai mốt hết bệnh về, tui, nó bắt tay vào việc làm thuê mướn bỏ lâu rồi”.

  • Bài, ảnh: MINH THÁI