Nhiều trẻ nhỏ bệnh... mùa nắng

Cập nhật, 10:17, Thứ Sáu, 21/04/2017 (GMT+7)

Các bệnh đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, viêm hô hấp), đường tiêu hóa (tiêu chảy, tay chân miệng) hay sốt xuất huyết, nhiễm siêu vi... đã và đang có số ca bệnh tăng trong những tuần gần đây khi thời tiết nắng nóng cao độ.

Điều dưỡng Lê Thị Thanh Hằng đang tư vấn chăm sóc, bảo vệ sức khỏe các bệnh nhi đang điều trị tại phòng bệnh.
Điều dưỡng Lê Thị Thanh Hằng đang tư vấn chăm sóc, bảo vệ sức khỏe các bệnh nhi đang điều trị tại phòng bệnh.

Trẻ bệnh hô hấp, tiêu hóa tăng cao

Tại các phòng khám bệnh thuộc Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, bác sĩ cho biết có khoảng 150 bệnh nhi đến khám các bệnh về tiêu hóa, hô hấp mỗi ngày.

Còn về điều trị nội trú, khoảng 3 tuần qua, đã có gần 450 lượt bệnh nhi ra- vào điều trị, với các bệnh: nhiễm trùng đường hô hấp (hơn 50 ca), tay chân miệng (27 ca), sốt xuất huyết (18 ca),... và rải rác các ca bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ.

Số ca bệnh truyền nhiễm trong tháng 3, 4 này vào BVĐK tỉnh điều trị nội trú tại Khoa Nhi được thống kê vẫn khá cao: tiêu chảy (160-71), sốt xuất huyết (48-26), tay chân miệng (42-27), quai bị (16-8), lỵ trực trùng và lỵ amip mỗi bệnh ghi nhận 1-3 trường hợp.

Thực tế điều trị, bác sĩ Nguyễn Văn Chiến tại Khoa Nhi cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng và vào điều trị khá đông, tuy nhiên không có ca nặng. Cũng vào khám và điều trị với số lượng tương tự nhưng thỉnh thoảng sốt xuất huyết lại có ca nặng, cần can thiệp chuyên môn sâu.

Bác sĩ Chiến nói: khuynh hướng sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa mưa. Nay thì không theo “mùa” nữa, mà hầu như bệnh xuất hiện rải rác quanh năm.

Chị Lê Thị Cẩm Hồng (ngụ thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành- Đồng Tháp) đang chăm con trai 38 tháng tuổi bị viêm phế quản. Chị cũng đang ẵm giúp đứa bé 6 tháng tuổi để mẹ bé đi nhận cơm và cho biết bé này cũng viêm tiểu phế quản.

Theo điều dưỡng Lê Thị Thanh Hằng, cả 2 bé sau chẩn đoán viêm phế quản và tiểu phế quản đã được bác sĩ cho thuốc uống. Tuy nhiên, sau 1-2 ngày không giảm bệnh nên đã đưa giải pháp chích thuốc.

Không chỉ trẻ nhỏ phòng, người lớn cũng cần tránh

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế)- cho biết, thời điểm này đang là “đỉnh dịch” tay chân miệng (tháng 3-5 hàng năm). Mùa hè- mùa nắng nóng ở phía Nam- là điều kiện để các bệnh tay chân miệng, sởi, thủy đậu, quai bị, viêm não Nhật Bản,... có nguy cơ bùng phát, lây lan.

Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhiều nhất là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, phụ nữ mang thai cần phòng tránh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền vi rút sang cho con ngay trước hoặc trong khi sinh.

Đáng lưu ý một người có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định.

Còn viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng và có thể bị nhiễm vi rút khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh. Bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người mà được truyền sang người qua muỗi đốt.

Theo các bác sĩ, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Người bệnh nên uống nhiều nước, dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét.

Người dân, nhất là trẻ nhỏ cần cho mặc áo quần dài để tránh muỗi đốt lúc trưa, về chiều và ngủ phải giăng mùng nhằm hạn chế nguy cơ bệnh sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản.

Mọi người dân cần ăn chín uống chín, đảm bảo dinh dưỡng, đề kháng phòng bệnh. Và khi nhận biết bất cứ dấu hiệu nào của bệnh thì nên đến cơ sở y tế để có biện pháp xử trí.

 

“Trời nắng nóng như đổ lửa, mình là người lớn đi ngoài đường còn “say” nắng, cảm nắng muốn bệnh. Còn như em bé mà cảm nắng hay trúng nước thì bệnh hoạn là đương nhiên”- trong lúc chúng tôi đang tác nghiệp, nhiều bà nội- ngoại đang nuôi cháu trong phòng bệnh “dặm” thêm câu chuyện bệnh mùa nắng ở trẻ nhỏ như thế.

  • ™Bài, ảnh: MINH THÁI