Kỳ vọng giảm thời gian phục vụ khám chữa bệnh

Cập nhật, 15:08, Thứ Sáu, 14/04/2017 (GMT+7)

Nhóm cử nhân xét nghiệm, điều dưỡng và y sĩ tại Khoa Giải phẫu bệnh lý thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đang nghiên cứu kỹ thuật xử lý 45 phút trên mô nhỏ.

Mục tiêu nghiên cứu được nhóm kỳ vọng cập nhật những kỹ thuật mới phục vụ chẩn đoán giải phẫu bệnh nhanh hơn, giúp bác sĩ đưa phương hướng điều trị cho bệnh nhân chính xác và giảm thời gian chờ đợi trong khám chữa bệnh.

Cử nhân xét nghiệm Nguyễn Minh Châu thị phạm quá trình cho ra mẫu mô nhỏ trong quá trình nghiên cứu.
Cử nhân xét nghiệm Nguyễn Minh Châu thị phạm quá trình cho ra mẫu mô nhỏ trong quá trình nghiên cứu.

Chủ trì triển khai nghiên cứu trên là cử nhân xét nghiệm Nguyễn Minh Châu tại Khoa Giải phẫu bệnh lý cùng cộng sự là cử nhân điều dưỡng Nguyễn Kiều Trinh và y sĩ Đinh Văn Triết, thực hiện từ tháng 4- 10 năm ngoái.

Chuyển từ Khoa Xét nghiệm sang Khoa Giải phẫu bệnh lý tháng 8/2015, cử nhân xét nghiệm Nguyễn Minh Châu được đơn vị cho đi học thêm khóa 3 tháng về kỹ thuật giải phẫu bệnh ở Bệnh viện ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh.

“Tình cờ tại thời điểm đi học, có một bác sĩ Việt kiều về hợp tác giảng dạy tại trường và chia sẻ quy trình xử lý mô nhỏ làm chỉ 45 phút. Từ việc thông thường xử lý mô 16 giờ, tôi thấy nội dung đó hay và nảy lên ý tưởng theo đuổi việc làm sao để xử lý mô rút ngắn thời gian lại như vậy”- cử nhân Nguyễn Minh Châu kể lại.

Và từ anh chị đồng nghiệp ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng triển khai xử lý mô nhỏ trong 4 giờ, cử nhân Nguyễn Minh Châu càng có ý thúc đẩy học hỏi, nghiên cứu quá trình xử lý mô như đã tiếp cận.

Cận cảnh một mẫu mô dạ dày trong đề tài đang thực nghiệm
Cận cảnh một mẫu mô dạ dày trong đề tài đang thực nghiệm

Nhóm thực hiện nghiên cứu đã tiến hành 2 phương pháp gồm: xử lý 16 giờ trên máy xử lý mô tự động; xử lý mô bằng tay trong 45 phút để phân tích, so sánh chất lượng tiêu bản các mẫu sinh thiết. Kết quả so sánh và đánh giá chất lượng vi thể các tiêu bản của các bệnh phẩm khác nhau giữa 2 kỹ thuật trên hoàn toàn không có sự khác biệt về chất lượng tiêu bản.

Mục tiêu cao nhất của việc xử lý mô nhỏ trong thời gian chưa đầy 1 giờ đồng hồ là cho ra kết quả mẫu bệnh phẩm, từ đó bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất bệnh của bệnh nhân và đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.

Ví dụ một trường hợp bệnh lý đau dạ dày vào khám, có thể sẽ có chỉ định nội soi dạ dày và bác sĩ sẽ bấm một mô sinh thiết nhỏ dạ dày. Mẫu này sẽ chuyển tới bộ phận giải phẫu bệnh lý. Kết quả đọc từ phía giải phẫu bệnh lý sẽ chuyển lại cho bệnh nhân và bác sĩ để có những giải pháp tiếp theo trong quá trình điều trị.

“Thường bệnh nhân khi được bác sĩ chỉ định xét nghiệm, giải phẫu bệnh lý thì luôn có cảm giác đợi chờ để biết kết quả bệnh lý như thế nào, biết mình bệnh gì và quá trình điều trị ra sao... Nên có thể nói, nhu cầu trả kết quả giải phẫu bệnh lý của bệnh nhân luôn cao. Rất cần thiết để phát triển kỹ thuật này”- cử nhân Nguyễn Minh Châu khái quát.

Cử nhân Nguyễn Minh Châu cho biết, đề tài được đánh giá ban đầu là khả thi. Dự kiến tháng 10 năm nay là có kết quả đánh giá xử lý mô nhỏ trên mô nội soi để báo cáo lãnh đạo bệnh viện và đi các bước tiếp theo. Bác sĩ Nguyễn Thanh Anh Tuấn- Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh lý- rất khuyến khích đề tài của nhân viên khoa.

Tại hội nghị nghiên cứu khoa học của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cuối năm 2016, đây là một trong 8 đề tài được báo cáo. Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc bệnh viện nói đây là đề tài nghiên cứu được tin tưởng có nhiều ý nghĩa trong phục vụ chẩn đoán điều trị bệnh.

Trực tiếp nghe báo cáo từ cử nhân Nguyễn Minh Châu, thạc sĩ bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng- Trưởng Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh)- đã đề nghị cử nhân Minh Châu phát triển đề tài xa hơn, nhằm đạt mục tiêu giúp bác sĩ có hướng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân nhanh chóng, hiệu quả.

 

Trường ĐH Y dược Cần Thơ (Bộ Y tế) ngày 7/4 đã có thông báo các sở y tế khu vực ĐBSCL, các bệnh viện tỉnh, bệnh viện khu vực, các trường đào tạo y tế và nhà khoa học lĩnh vực y- dược,... về việc gửi bài báo cáo tham dự hội nghị khoa học y- dược ĐBSCL mở rộng lần VI, năm 2017 tại nhà trường, thời gian dự kiến tháng 12/2017. Theo cử nhân Nguyễn Minh Châu, lãnh đạo bệnh viện đã có yêu cầu nhóm thực hiện hoàn chỉnh đề tài nghiên cứu này và gửi tham gia hội nghị. Cử nhân Nguyễn Minh Châu nói “hồi hộp” nhưng cũng “phấn khởi”. Và điều mong mỏi nhất là được chia sẻ, góp ý thêm từ anh chị em đồng nghiệp để đề tài hoàn thiện hơn và đưa vào ứng dụng.

 

  • ™Bài, ảnh: MINH THÁI