Đốt thuốc- "đốt" sức khỏe

Cập nhật, 06:02, Thứ Sáu, 24/02/2017 (GMT+7)

Sử dụng thuốc lá đang là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh ung thư phổi, đột quỵ, bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính, bệnh mạch vành,… Đặc biệt bệnh sẽ càng nặng do hút thuốc lá kéo dài.

Sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá là quyền của mọi người.Ảnh: LÊ HIẾU (TP Vĩnh Long)
Sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá là quyền của mọi người.Ảnh: LÊ HIẾU (TP Vĩnh Long)

Khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư phổi và những bệnh nguy hiểm liên quan đến hô hấp như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Ông N.T.P. (47 tuổi, ở Tam Bình) vừa trở về nhà sau đợt điều trị bệnh viêm phổi mãn tính tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh) do những cơn ho kéo dài và khó thở.

Ông có tiền sử hút thuốc lá hơn 20 năm và mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gần 3 năm nay. Nếu không cai nghiện thuốc lá thì bệnh của ông sẽ càng ngày nặng hơn và có thể tử vong nếu các cơn khó thở gấp kéo dài.

Ông lo lắng: “Chú hay thấy mình khó thở, mệt và bị sốt nên đi khám thì phát hiện bệnh này. Bác sĩ nói, nếu không bỏ thuốc bệnh sẽ rất nguy hiểm. Dù bỏ thuốc thời gian đầu rất khó chịu, thấy bứt rứt trong mình lắm, nhưng nghĩ đến sức khỏe của mình và vợ con nên chú quyết tâm từ bỏ thuốc lá.

Từ khi bỏ hẳn thuốc lá cộng với kiên trì điều trị, tập luyện, sức khỏe của chú có khá hơn”.

Không chỉ gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hút thuốc còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, làm trầm trọng hơn bệnh hen...

Khói thuốc ô nhiễm và tàn thuốc cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh: MAI ANH
Khói thuốc ô nhiễm và tàn thuốc cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh: MAI ANH

Nguyên nhân là do khói thuốc làm tổn thương đến chức năng của phổi. Hệ thống hô hấp có một số hàng rào bảo vệ để chống lại các bệnh.

Khi khói thuốc đi qua miệng đã làm giảm hoặc mất đi cơ chế bảo vệ này. Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc mà khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn.

Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy nên thành phần của chất nhầy cũng bị thay đổi. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm.

Hậu quả là chất nhầy ở những người hút thuốc dễ bị nhiễm các chất độc hại bởi khói thuốc và ô nhiễm môi trường sống, bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.

Phổi của những người hút thuốc bị giảm diện tích bề mặt và giảm mao mạch, dẫn đến giảm cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho cả nhu mô phổi và các tổ chức khác trong cơ thể để duy trì sự khỏe mạnh và chức năng bình thường của chúng.

Hút thuốc lá vốn là một thói quen rất xấu và không lành mạnh, khói thuốc lá còn ảnh hưởng đến những người hít phải khói thuốc. Khói thuốc lá có thể nhìn thấy phảng phất trong không khí, còn khói thuốc ô nhiễm lại là một mối đe dọa sức khỏe bí mật hơn.

Khói thuốc ô nhiễm là phần còn sót lại của khói thuốc bám vào bề mặt các vật dụng xung quanh. Khói thuốc ô nhiễm cực kỳ nguy hiểm, làm tăng lượng mỡ và bệnh gan nhiễm mỡ không cồn, và là tiền thân dẫn đến xơ gan, ung thư và bệnh tim mạch. 

Theo Hiệp hội Ung thư phổi Mỹ, hút thuốc lá thụ động gây ra khoảng 3.400 ca tử vong do ung thư phổi, và từ 22.700- 69.600 ca tử vong do bệnh tim mỗi năm.

Việt Nam luôn là nước nằm trong danh sách có rủi ro bệnh tật do thuốc lá lớn. 95% bệnh ung thư phổi khắp cả nước nguyên nhân đều bắt nguồn do khói thuốc lá.

Những người không hút thuốc, nhưng người thân, đồng nghiệp thường phì phèo “ống khói” thì mình cũng gặp phải nhiều nguy cơ sức khỏe do thuốc lá gây ra.

Do vậy, đừng im lặng để bị tổn hại sức khỏe vì khói thuốc, hãy cố gắng ngăn chặn hoặc hạn chế tiếp xúc với khói thuốc. Để bảo vệ sức khỏe của mình, mọi người hãy tránh xa khói thuốc lá!

Hút thuốc lá, thuốc lào, bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động- nhiều nghiên cứu cho thấy, 80- 90% các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến hút thuốc lá và 15- 20% người hút thuốc lá sẽ phát triển thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sau một số năm. Phổi và chức năng hô hấp của những người hút thuốc lá chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi các chất độc chứa trong khói thuốc lá như monoxide carbon (CO), dioxide carbon (CO2), các chất gây ung thư và chất gây nghiện nicotin. Trên 90% bệnh nhân tắc nghẽn phổi mãn tính liên quan hút thuốc người hút thuốc lá thụ động (hít khói thuốc từ người hút nhả ra) cũng bị tác hại sức khỏe giống như người trực tiếp hút thuốc.

MAI ANH