Để có một thai kỳ khỏe mạnh

Cập nhật, 15:33, Thứ Sáu, 30/12/2016 (GMT+7)

Phụ nữ mang thai cần được đặc biệt chú ý chăm sóc về sức khỏe và thể chất trong suốt quá trình mang thai. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, người phụ nữ cần có sự chuẩn bị trước khi mang thai về tâm lý, sức khỏe... 

Chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thai kì vô cũng quan trọng đối với mẹ bầu và thai nhi. Trong quá trình mang thai mẹ bầu cần lưu ý ăn nhiều trái cây và rau quả vì chúng cung cấp các vitamin và khoáng chất cũng như chất xơ có ích cho tiêu hoá và có thể ngăn ngừa táo bón. Bổ sung các loại thực phẩm giàu tinh bột, protein, sữa và chế phẩm từ sữa… Bên cạnh cũng cần hạn chế các thực phẩm chứa chất béo như bơ, dầu, kem, socola, khoai tây chiên giòn…
Khi mang thai, mẹ bầu cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Cụ thể, cần sẵn sàng về mặt tinh thần để làm mẹ. Bên cạnh, để sinh con khỏe mạnh thông minh, các mẹ bầu tương lai cần chuẩn bị sức khỏe như tẩy giun sán, bổ sung sắt và acid folic trước khi mang thai, đồng thời cần tiêm chủng trước khi mang thai như tiêm ngừa cúm, rubella, thủy đậu, viêm gan và một số bệnh khác để bảo vệ sức khỏe của bản thân và thai nhi. 

Chị Lê Diễm My (Trà Ôn) tâm sự: “Tôi lên mạng tìm hiểu, hỏi thăm bạn bè thì biết việc tiêm chủng trước khi mang thai rất quan trọng nên đã đến Trung tâm y tế dự phòng để tiêm. Nhờ vậy, khi mang thai cũng đã yên tâm hơn về sức khỏe của mình và bé”.

Khi mang thai, mẹ bầu cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám thai định kỳ, kịp thời phát hiện các nguy cơ, biến chứng và có những biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời.

Chị Lạc Tú Như (Thạnh Quới- Long Hồ) nói: Khi mang thai bé đầu lòng, tôi bị nhiễm trùng tiểu, đau dạ dày nặng nên phải uống thuốc theo toa. Dù vậy, tôi cũng không quá lo lắng vì ngay từ đầu thai kỳ, tôi đã chọn theo một bác sĩ có chuyên môn giỏi mà mình tin tưởng, do đó, bác sĩ rất hiểu tình trạng của cả hai mẹ con trong suốt thai kỳ”.

Bác sĩ chuyên khoa I- Lê Thị Thu Trang khuyên các mẹ bầu:Trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên tranh thủ nghỉ ngơi nhiều “mọi lúc, mọi nơi khi có thể”(ngủ đủ 8 tiếng/ngày). Bên cạnh, cần thường xuyên nghe nhạc, nói chuyện với thai nhi… Không nên tự ý uống thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Đồng thời, để tránh tăng cân quá nhiều, mẹ bầu nên hạn chế thức ăn có vị ngọt, nước uống có gas… Ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất, tránh tất cả các loại thức ăn theo khuyến cáo có thể gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé. Tránh xa môi trường ô nhiễm, tiếng ồn quá mức…

Ngoài ra, trong quá trình mang thai, thai phụ không nên làm các việc nặng như: khiêng vác, nhất là trong những tháng cuối thai kì vì có thể dẫn tới sẩy thai hoặc sinh non.

Đồng thời, không nên ngâm mình dưới nước vì dễ nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn; tránh làm việc trên cao, va chạm mạnh; không tiếp xúc với các yếu tố độc hại...

 Bên cạnh sự chuẩn bị về sức khỏe thì tâm lý mẹ bầu rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.

Mẹ bầu cần giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái trong suốt quá trình mang thai, không nên quá lo lắng. Nếu gặp gút mắc khó giải quyết, nên tâm sự với người thân, bạn bè (nhất là nên san sẻ với người bạn đời) hoặc nhờ tư vấn của bác sĩ.

Chị Trần Thị Mỹ Viên (Long Phước- Long Hồ) chia sẻ: Lúc mang thai lần đầu tôi cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng nhưng khi được chồng động viên tinh thần, những người thân, đặc biệt là mẹ chia sẻ kinh nghiệm và “bí quyết” để khỏi nghén thì tôi thoải mái tâm lý hơn và sức khoẻ cũng dần ổn định.

Trong suốt thai kì, để bảo vệ sức khỏe của mình và bé, các mẹ bầu cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lí, khám thai định kì; đồng thời giữ cho tinh thần luôn thoải mái, không làm việc nặng,…

Đảm bảo những điều trên sẽ giúp các chị em yên tâm tránh được những căn bệnh nguy hiểm, tăng cường sức đề kháng và bảo vệ bé yêu an toàn trong suốt thai kỳ.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thai kì vô cũng quan trọng đối với mẹ bầu và thai nhi. Trong quá trình mang thai mẹ bầu cần lưu ý ăn nhiều trái cây và rau quả vì chúng cung cấp các vitamin và khoáng chất cũng như chất xơ có ích cho tiêu hoá và có thể ngăn ngừa táo bón. Bổ sung các loại thực phẩm giàu tinh bột, protein, sữa và chế phẩm từ sữa… Bên cạnh cũng cần hạn chế các thực phẩm chứa chất béo như bơ, dầu, kem, socola, khoai tây chiên giòn…

Bài, ảnh: NAM ANH- TUYẾT NGỌC