Nỗi sợ mang tên "thực phẩm bẩn"

Cập nhật, 14:18, Thứ Sáu, 03/06/2016 (GMT+7)

Ruồi bu, bụi bám, dòi bò lúc nhúc trên ụ chứa thực phẩm, sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, hay dùng hàng hóa hết “đát” để chế biến, dụng cụ chứa thực phẩm cũ, không chùi rửa... là hàng loạt vi phạm bị phát hiện trong quá trình kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm.

Sản xuất, chế biến sạch là nhiệm vụ, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất, chế biến sạch là nhiệm vụ, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh.

Có kiểm tra là có vi phạm

Tình trạng tràn lan thực phẩm bẩn khiến cho nhiều người bất an. Nhiều khu chợ trở thành ma trận thực phẩm bẩn. Còn người dân thì không biết lựa chọn thế nào cho đúng, cho an toàn. Bên cạnh nỗi lo thực phẩm chứa chất cấm, kháng sinh, người tiêu dùng còn đối mặt với nỗi sợ sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn ở các quán ăn, bếp ăn...

Theo chân đoàn kiểm tra đến một quán giải khát trên đường Trưng Nữ Vương (Phường 1- TP Vĩnh Long), tại quầy chế biến nước, bụi bám đầy kệ, một số nguyên liệu chế biến hết hạn sử dụng, nhiều loại trái cây có dấu hiệu hư, khu chứa nguyên liệu cũ, xuống cấp, dụng cụ đựng không che chắn, nhân viên chế biến không khẩu trang, không bao tay,...

Chị chủ quán giải thích do quán đang sửa, “lu bu quá nên không có thời gian lau chùi dọn dẹp, kiểm tra lại nguyên liệu chế biến”.

Còn tại một nhà hàng đang chế biến món ăn ở Phường 1, rác thải trực tiếp xuống sông, một số sữa, nước ngọt hết hạn sử dụng, dầu ăn có dấu hiệu chiên lại nhiều lần.

Ghi nhận tại một căng tin trường học ở Phường 1, có một lô mì ăn liền chỉ còn hạn sử dụng một ngày! Hỏi chủ căng tin thì được trả lời là “không
để ý”.

Mới đây, khi đột kích vào một cơ sở sản xuất mắm, dưa mắm, chúng tôi không khỏi “sốc” bởi nơi sản xuất quá bẩn, ruồi nhặng bu đầy. Dụng cụ chế biến không chùi rửa, sàn xi măng đọng nước, bồn làm dưa mắm sát nhà vệ sinh.

Và “rợn” hơn nữa là một số thùng chứa mắm có dòi bò lúc nhúc phía trên, bồn chứa mắm rất dơ, nơi chế biến đầy mạng nhện.

Người lao động chế biến trực tiếp “3 không”: không quần áo bảo hộ chuyên dụng, không ủng, không khẩu trang. Người lao động chỉ độc một cái quần ngắn “lăn lộn” trong bồn làm dưa mắm hốt dưa, đạp dưa cho thấm nguyên liệu.

Thấy “đồng nghiệp” làm không thấm, một lao động nữ “3 không” leo vào bồn bốc trộn dưa bằng tay rồi bằng chân. Và mặc dù có khá nhiều người đứng xung quanh quay phim, chụp hình, 2 người lao động trên cũng làm rất tự nhiên! Bên cạnh những ụ mắm đang được chế biến, có rất nhiều mắm, dưa mắm đã thành phẩm chờ được đi các chợ tiêu thụ.

Bà Lê Thị Tú Anh- Trưởng Phòng Y tế TP Vĩnh Long, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP Vĩnh Long cho biết: Hầu hết các cơ sở vi phạm đều giải thích không biết, không hay. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến trong điều kiện vô cùng mất vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường.

Ý thức, lương tâm ở đâu?

Tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo BCĐ liên ngành vệ sinh ATTP, các lỗi vi phạm chủ yếu là: Cơ sở sản xuất, chế biến không bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến; cơ sở không bố trí theo nguyên tắc một chiều và không có hệ thống che chắn côn trùng và động vật gây hại; cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP; người trực tiếp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm không khám sức khỏe, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATVSTP, sử dụng người lao động có mang, mặc trang phục bảo hộ theo quy định nhưng không đầy đủ.

Có thể thấy, tình trạng chế biến thực phẩm sẵn tại các cơ sở đang rất đáng báo động. Khi ngành chức năng hỏi thì hầu hết chủ cơ sở nào cũng trả lời qua loa: “Không để ý, bận nhiều việc, nhân viên không kiểm tra...”.

Chỉ khi bị kiểm tra mới phát hiện nhiều vi phạm, do đó, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng và các chế tài xử lý cũng cần chặt chẽ, nghiêm khắc hơn nữa đối với những người vi phạm. Tuy nhiên, hơn trên hết, đó chính là lương tâm của những người kinh doanh, buôn bán.

Trách người chăn nuôi sử dụng chất cấm vào thực phẩm và cũng cần lên án những người chế biến thực phẩm trong điều kiện “không thể dơ hơn”.

Còn người tiêu dùng, để tự bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình nên tìm đến những cơ sở kinh doanh có uy tín, có nhãn mác, có hạn sử dụng đầy đủ. Đồng thời nên cẩn trọng với những hàng đã quá hạn sử dụng hoặc hàng không có nguồn gốc, xuất xứ. Bởi bất cứ ở đâu và lúc nào, người dân có thể “đụng” phải thực phẩm bẩn.

Trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP, đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh đã kiểm tra và phát hiện 4/47 cơ sở sản xuất, dịch vụ ăn uống vi phạm. Việc sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm của các cơ sở sản xuất giảm, nhưng các cơ sở lại không kiểm soát được các chất phụ gia thực phẩm cho phép sử dụng trong quá trình chế biến, dẫn đến việc sử dụng vượt quá giới hạn cho phép, có sản phẩm vượt đến 2 lần thậm chí 3 lần giới hạn cho phép.

Tỷ lệ chả cá nhiễm hàn the còn rất lớn, hầu hết ở tất cả các chợ được kiểm tra, vì có nguồn gốc xuất xứ từ một nơi. 22/34 mẫu test nhanh tại chỗ phát hiện dương tính, chiếm tỷ lệ 64,7%. Đoàn đã tiến hành hủy tại chỗ 13,5kg chả cá, 6kg bánh lọt, 13,5kg chả chay. Theo lời khai của các hộ tiểu thương, nguồn gốc chả cá và chả chay được nhập về là từ Cần Thơ và Đồng Tháp tới chợ TP Vĩnh Long và TX Bình Minh sau đó sẽ túa đi các chợ trong tỉnh.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN