Nhiều bệnh truyền nhiễm "trở trời"

Cập nhật, 13:27, Thứ Sáu, 15/04/2016 (GMT+7)

Đang mùa nắng nóng, nhưng bệnh sốt xuất huyết (SXH) lại diễn biến rất phức tạp, với ca bệnh nhập viện nhiều, có cả bệnh nặng.

Cùng đó, khoảng chục ngày qua, có nhiều người bệnh quai bị vào viện. Trời nắng nóng hầm hập cũng là một trong những lý do làm cho nhiều bệnh diễn biến bất thường.

Ngày 13/4/2016, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long thông tin tình hình các bệnh truyền nhiễm như trên, khi nắng nóng gay gắt cả chục ngày qua.

SXH giảm hẳn so 2 tuần trước, nhưng vẫn còn ca bệnh sốt, sốt siêu vi phải theo dõi.
SXH giảm hẳn so 2 tuần trước, nhưng vẫn còn ca bệnh sốt, sốt siêu vi phải theo dõi.

Bệnh SXH, quai bị nhiều “đột biến”

Bác sĩ Đặng Thị Thu Vân- Phó Khoa Nhi BVĐK tỉnh Vĩnh Long cho biết, đầu tuần này, khoa có 8 ca SXH điều trị nội trú, nay còn 3- 4 ca. 2 tuần trước, lúc cao điểm có trên dưới 20 ca bệnh SXH nằm viện.

“2 tuần trước đó, bệnh nhi SXH đông, có ca bệnh nặng, có ngày chuyển 1- 2 bệnh nhân đi bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh. Nay thì hầu hết ca bệnh đã xuất viện. Hiện thời trong vài ca theo dõi, chỉ còn một ca khả năng nặng, khi bệnh nhân đã sốt 5 ngày qua”- bác sĩ Thu Vân thông tin.

Bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Năm- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long cho biết: “SXH hiện tại tăng cao đột biến hơn so mọi năm, nhiều trường hợp bệnh nặng, rất nặng”.

Việc điều trị phải rất tích cực, khó khăn, nhưng bệnh viện cũng đã xử trí ổn định. Cũng theo ông, với sự “bất thường” của bệnh SXH như vừa qua, có thể “tiên đoán vào mùa mưa tới, bệnh truyền nhiễm này có khả năng bùng phát cao”.

Tại Khoa Nhi, khoảng 10 ngày qua, bệnh nhân quai bị vào đây cũng “đột biến” không kém SXH. Thứ hai (11/4) rồi, khoa có 10 ca bệnh quai bị điều trị nội trú. Đến nay hầu hết đã xuất viện.

Bệnh tiêu chảy gần đây cũng cao hơn mọi năm. Theo các bác sĩ, nắng nóng nên việc ăn uống và giữ gìn vệ sinh cá nhân không tốt, thức ăn mau ôi thiu... là nguyên nhân dẫn đến nhiều ca bệnh tiêu chảy phải vào viện truyền dịch, bù nước.

Tương tự, dù không “đột biến” như SXH và quai bị, nhưng bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn có ca bệnh vào viện mỗi ngày. Hiện có trên 10 ca bệnh điều trị nội trú tại đây.

Theo thống kê của Khoa Nhi từ đầu năm đến nay, đã có hơn 2.400 ca bệnh điều trị nội trú. Riêng từ đầu tháng 4 đến nay, khoảng 360 bệnh nhi vào khoa.

Tổng số không nhiều, nhưng có thời điểm nhất định, bệnh SXH, quai bị ghi nhận rất cao. Như trong hơn 3 tháng qua, khoa điều trị nội trú 115 ca SXH, 87 ca TCM, 16 ca quai bị thì trong nửa tháng 4 này, SXH là 13 ca, TCM 20 ca, quai bị 7 ca.

Nhiều nguyên nhân khiến SXH “bất thường”

Theo bác sĩ Phan Văn Năm, chưa phải mùa mưa nhưng SXH diễn biến bất thường là rất đáng quan tâm. Nguyên nhân được cho là nhiều gia đình vào bệnh viện khai do cha mẹ đi làm, ông bà giữ cháu, nên việc chăm sóc theo dõi không chặt chẽ cho lắm.

“Có khi trẻ sốt đến 3 ngày, uống thuốc hạ sốt vẫn không hết mà người nhà vẫn chưa chở đi bệnh viện”- một bác sĩ nói.

Lý do làm cho SXH tăng cao, còn do thói quen, ý thức sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc thù công việc trong cộng đồng. Ví dụ như: không lật, đổ các dụng cụ chứa nước quanh nhà, hay khi ngủ (ban ngày) mà không mắc màn hoặc tại các công trình xây dựng có ao nước đọng, cống rãnh có nước mà không quan tâm xử lý,... thì nơi đó dễ phát sinh lăng quăng, muỗi và gây bệnh SXH.

Thêm lý do nữa làm cho bệnh SXH “bất thường”, theo bác sĩ Phan Văn Năm là năm qua 4 tuýp huyết thanh (1, 2, 3, 4) xuất hiện cùng lúc, nên người nào chưa có bệnh thì bây giờ khả năng mắc bệnh cao hơn.

Điều trị TCM đã gần tuần, cháu Khánh Ngân- con chị Trần Thị Loan (xã Hiếu Thành- Vũng Liêm) đã xuất viện chiều 13/4. Chị Loan kể: “Tui đi làm trên thành phố, cháu ở nhà ngoại giữ, nghe cháu bệnh nên tui về đưa đi bệnh viện tỉnh luôn”.

Bị tim bẩm sinh, kèm bệnh hô hấp nên cháu trai gần 2 tuổi con chị Văn Thị Thu (xã Tân Phú- Tam Bình) vào nằm ở bệnh viện tỉnh khoảng 20 ngày qua. “Cũng ổn rồi, nằm đây có gió mát đỡ hơn”- chị Thu nói khi đang nằm ngoài hành lang đưa võng vỗ con mình.

Nắng nóng hầm hập khoảng một tuần qua, không chỉ gây xáo trộn trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, mà còn khiến các trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp, SXH, TCM, tiêu chảy, quai bị, thủy đậu,...

Do vậy, người dân nên quan tâm theo dõi các nội dung hướng dẫn, khuyến cáo bác sĩ trên báo, đài, để chủ động các biện pháp phòng bệnh cho con em mình.

Như bệnh SXH thì “cắt” nguồn lây truyền từ những nguyên nhân đã nêu. Hay sởi, quai bị thì tiêm đầy đủ vắc xin “3 trong 1” ngừa sởi- quai bị- rubella. Còn khi nghi ngờ hoặc thấy bất cứ biểu hiện về hô hấp, ho, sốt, nổi ban, mụn nước đỏ,... thì nên đưa con em đến ngay cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán, điều trị.

Theo các bác sĩ, SXH tăng là số thống kê tại BVĐK tỉnh, còn tại cộng đồng khả năng bệnh SXH cũng có nhiều, vì ngoài đưa vào các bệnh viện tuyến huyện, không ít người dân còn đưa con em đi thẳng sang các bệnh viện ở TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo tháng 3/2016 của Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế), một số bệnh truyền nhiễm có số mắc như sau: tiêu chảy (297), SXH (80), TCM (45), quai bị (41), thủy đậu (19), rubella (2). Đáng chú ý, SXH có số mắc tăng 45% so tháng trước, tăng 4,3 lần so cùng kỳ 2015.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI