Phát hiện sớm, giảm thiểu bệnh nguy hiểm

Cập nhật, 22:44, Thứ Năm, 07/01/2016 (GMT+7)

Nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến các mô hình bệnh tật nguy hiểm thuộc các lĩnh vực tim mạch; hay các mặt bệnh nguy hiểm với nguy cơ biến chứng cao, nặng,... có thể nhìn nhận sớm. Qua đó góp phần can thiệp, điều trị hiệu quả, chăm sóc hồi phục tốt cho bệnh nhân.

Cần nhận biết sớm các dấu hiệu để giảm thiểu nguy cơ nguy hiểm cho bệnh nhân trước khi đến bệnh viện.
Cần nhận biết sớm các dấu hiệu để giảm thiểu nguy cơ nguy hiểm cho bệnh nhân trước khi đến bệnh viện.

Một số nghiên cứu khoa học trong phạm vi bệnh viện của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và cộng sự tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long sẽ phản ánh điều đó.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Đức- Phó Khoa Nội tim mạch- Lão khoa, cho biết: “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, tuần suất, yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não (TBMMN) tại đây cho thấy, có 112 ca (81,75%) đột quỵ nhồi máu não và 25 ca (18,25%) đột quỵ xuất huyết não”.

“Tuổi càng cao tỷ lệ đột quỵ não càng cao. Độ tuổi này ở cả nam lẫn nữ thường từ 70 trở lên”- bác sĩ Lê Thanh Đức nhận xét. Cũng theo ông, TBMMN gây tử vong hoặc để lại di chứng, tàn phế cho người bệnh. Những yếu tố nguy cơ gây TBMMN như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, rung nhĩ, ít vận động, uống rượu, hút thuốc lá,...

Trong số đó, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chiếm cao nhất, với 52,55%, kế đến là đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Những yếu tố này có thể phòng ngừa được. Nhưng do hạn chế chủ quan lẫn khách quan, hiện trong cộng đồng tỷ lệ người bị TBMMN vẫn còn 
rất cao.

Ngưng tim, ngưng thở trước nhập viện là nguyên nhân gây tử vong cao nhất từ bệnh tim. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân: chấn thương, chết đuối, ngộ độc, ngạt thở, điện giật, suy hô hấp cấp và các nguyên nhân khác.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, nhóm bác sĩ thu thập thông tin từ tháng 4- 9/2015 đối với hàng loạt ca bệnh từ 10- 90 tuổi (trung bình là 61 tuổi) về tình hình ngưng tim ngưng thở vào Khoa Khám cấp cứu của bệnh viện. Kết quả cho thấy bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch cao nhất với 55,56%, kế đến là suy hô hấp.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kỳ và bác sĩ Nguyễn Phong Tuấn thuộc Khoa Khám bệnh, trong xử trí khi vào khoa, 100% bệnh nhân được đặt nội khí quản, xoa bóp tim, cùng các thủ thuật liên quan.

Trong phạm vi nghiên cứu 27 bệnh nhân ngưng tim ngưng thở trước nhập viện, sau khi xử trí có 26 bệnh nhân (96,3%) không có nhịp tim trở lại (không khôi phục tuần hoàn tự nhiên); chỉ có 1 bệnh nhân (3,7%) là có nhịp tim trở lại, nhưng sau đó cũng tử vong (trong vòng 30 phút).

Dẫu phạm vi và số lượng đối tượng không rộng, nhiều, nhưng đó cũng là số liệu đáng để tham khảo. Qua đó giúp người dân tránh các yếu tố nguy hiểm cũng như khi gặp phải trường hợp ngưng tim, ngưng thở.

Giải pháp giản đơn mà hiệu quả được bác sĩ Lê Thanh Đức đề xuất gồm: tăng cường truyền thông (báo, đài,...) tuyên truyền cho người dân tuân thủ điều trị, kiểm soát các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, rối loạn lipid máu; người dân cần tuân thủ lối sống lành mạnh trong ăn uống, vận động thể dục, tránh lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá,... nhằm hạn chế thấp nhất “nguy cơ” mắc các yếu tố nguy cơ trên để dẫn đến TBMMN.

Có nhiều lý do dẫn đến phần lớn các trường hợp ngưng tim ngưng thở trước nhập viện: phổ biến là người chứng kiến ban đầu không có kiến thức và kỹ năng về cấp cứu, hồi sinh tim phổi. Vẫn tồn tại một số cách cấp cứu như: bấm huyệt, cạo gió, vắt chanh vào miệng,... hoặc chọn biện pháp đưa ngay bệnh nhân tới bệnh viện mà không gọi cấp cứu 115.Theo các bác sĩ Khoa Khám bệnh- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, tỷ lệ người bệnh ngưng tim, ngưng thở ở nông thôn cao hơn thành thị. Điều này có thể do người dân sống ở nông thôn xa bệnh viện hơn, điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ít hơn người ở thành thị. Ở người nam, tỷ lệ mắc loại bệnh tật này cao hơn ở người nữ.

Theo nghiên cứu, trường hợp ngưng tim, ngưng thở trước nhập viện nếu không được những người xung quanh hoặc nhân viên cấp cứu ngoài bệnh viện thực hiện ngay kỹ thuật hồi sinh tim phổi cơ bản và hoặc nâng cao, thì khả năng còn sống của bệnh nhân rất thấp. Trong cấp cứu ban đầu có ép tim, thổi ngạt cho bệnh nhân và bóp bóng trên đường chuyển đến bệnh viện.

Theo các bác sĩ Khoa Khám bệnh- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, tỷ lệ người bệnh ngưng tim, ngưng thở ở nông thôn cao hơn thành thị. Điều này có thể do người dân sống ở nông thôn xa bệnh viện hơn, điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ít hơn người ở thành thị. Ở người nam, tỷ lệ mắc loại bệnh tật này cao hơn ở người nữ.

Bài, ảnh: MINH  THÁI