Mở rộng... tiêm chủng mở rộng

Cập nhật, 05:45, Thứ Sáu, 22/01/2016 (GMT+7)

Hàng chục năm qua, tiêm chủng mở rộng đã đạt được những kết quả đáng kể trong bao phủ vắc xin phòng chống bệnh tật cho trẻ.

Trẻ từ 1- 14 tuổi tại Vĩnh Long được tiêm vắc xin phối hợp sởi- rubella.
Trẻ từ 1- 14 tuổi tại Vĩnh Long được tiêm vắc xin phối hợp sởi- rubella.

Mở rộng đối tượng tiêm chủng

Hội nghị tổng kết ngày 19/1, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long (Sở Y tế) cho biết, có 99,37% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm ngừa đầy đủ các mũi vắc xin. Đây là kết quả tiêm ngừa đối với trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh năm 2015, vượt kế hoạch phải từ 95% trở lên. Riêng tỷ lệ tiêm mũi ngừa lao sơ sinh chỉ đạt 82,6%, không đạt chỉ tiêu. Tương tự, vắc xin viêm gan B sơ sinh tiêm đạt 53,86%, cũng không đạt chỉ tiêu 70%. Dẫu vậy số này đã cải thiện hơn so với năm 2014, khi tăng 8,7%.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (thuộc Sở Y tế), từ tháng 10/2014 đến tháng 1/2015, tỉnh đã tổ chức các đợt tiêm ngừa vắc xin sởi- rubella cho trẻ 1- 14 tuổi đạt trên 98% và vắc xin này sau đó được Bộ Y tế quyết định đưa vào tiêm chủng mở rộng, tổ chức tại y tế cơ sở. Từ tháng 6/2015, tỉnh bắt đầu triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ 12- 36 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng: tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi so chỉ tiêu đạt 91,65/95%, mũi 3 tiêm đạt 93,26%.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, cơ quan y tế dự phòng hàng năm duy trì giám sát hoạt động tiêm chủng mở rộng tại 109 điểm tiêm cố định ở 109 xã- phường- thị trấn. Tỉnh cũng tổ chức 34 điểm tiêm vắc xin dịch vụ tại trung tâm y tế các huyện, y tế dự phòng tỉnh và một số trạm y tế xã.

Tiếp sau thành công của chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella cho gần 20 triệu trẻ 1- 14 tuổi cả nước, Bộ Y tế tiếp tục đề ra kế hoạch tiêm vắc xin phối hợp này cho 2 đối tượng: trẻ 18 tháng tuổi, trẻ 16- 17 tuổi, dự kiến triển khai rộng rãi cả nước trong tháng 1- 2 năm nay. Hình thức tiêm ngừa: trẻ 18 tháng tuổi triển khai tiêm sởi- rubella trong đợt tiêm chủng hàng tháng tại y tế cơ sở; đối tượng 16- 17 tuổi sẽ được tiêm từng đợt tại các trường học hoặc ngoài cộng đồng tùy điều kiện từng địa phương.

Trong vụ dịch sởi năm 2009- 2010, vụ dịch rubella năm 2010- 2011, bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên và trẻ em. Theo Bộ Y tế, để chủ động khống chế bền vững bệnh sởi, rubella qua việc cắt đứt nguồn lây truyền, giảm số mắc, tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, cần triển khai tiêm bổ sung vắc xin sởi- rubella cho 2 nhóm đối tượng trên.

Không quá phụ thuộc vào vắc xin dịch vụ!

Tại hội nghị tổng kết công tác năm của ngành y tế, có ý kiến cho rằng vấn đề sốt vắc xin dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1” trong 2 tháng qua có phần do tâm lý “tự tạo” của một số phụ huynh, khi chỉ đợi mũi tiêm này lúc con em mình đến thời điểm tiêm. Trong khi thống kê của ngành y tế tỉnh, cả năm qua chỉ có 4 trường hợp phản ứng sau tiêm. Chia theo nguyên nhân vắc xin: 3 ca phản ứng vắc xin Quinvaxem “5 trong 1” trong tiêm chủng mở rộng, 1 ca phản ứng với vắc xin DTC. Còn theo nguyên nhân phản ứng: 3 ca sốt (trên 38,50C), 1 ca trùng hợp bệnh sốt xuất huyết.

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hiệp- nguyên Giám đốc Sở Y tế, băn khoăn: “Cơn sốt” vắc xin dịch vụ ở miền Bắc, TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã tạo tâm lý bất ổn và áp lực (tiêm ngừa) với người dân nói chung và cán bộ y tế nói riêng. Theo bà, kết quả tiêm vắc xin Quinvaxem tại tỉnh đạt cao và đảm bảo an toàn tiêm chủng đã góp phần đem lại niềm tin, sự yên tâm của phụ huynh có con em tiêm ngừa.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết thống kê năm qua toàn tỉnh tiêm 750 mũi vắc xin Infanrix (250 trẻ được tiêm), 768 liều vắc xin Pentaxim (256 trẻ được tiêm) và 14.056 liều DTC (14.065 trẻ). Ông nói nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ ở tỉnh có, nhưng không cao, nên không dẫn đến tình trạng “sốt” vắc xin như những nơi khác. Dù lượng vắc xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1” có khi nhiều tháng trời... hết sạch vì không được cấp.

Tiêm vắc xin nào thì tỷ lệ tử vong cũng có ít nhất 1- 4 trẻ/triệu liều. Trong khi dù không tiêm chích gì, mỗi ngày ít nhất cũng có 30- 50 trẻ trên cả nước tử vong do nhiều nguyên nhân. Bộ trưởng Bộ Y tế đã phân tích như vậy trước tình trạng khan vắc xin dịch vụ và có sự phân vân, “so sánh” của không ít phụ huynh giữa việc đợi vắc xin dịch vụ hay tiêm bên tiêm chủng mở rộng.

Hiện nay, chúng ta đang thiếu vắc xin dịch vụ, nếu không tiêm Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng, thì dịch bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B,... sẽ có nguy cơ bùng phát. Tôi chỉ so sánh thế này, nếu không tiêm vắc xin và mắc loại bệnh nào đó thì tử vong ít nhất 100- 200/triệu trẻ. Còn nếu tiêm dù là vắc xin nào đi chăng nữa cũng xảy ra tử vong ít nhất 1- 4 trường hợp/triệu liều vắc xin, không kể dịch vụ hay miễn phí- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Bài, ảnh: MINH THÁI