Bệnh tay chân miệng:

Dù "hạ nhiệt" vẫn không lơ là

Cập nhật, 07:31, Thứ Sáu, 02/10/2015 (GMT+7)

Đến hết tháng 9/2015 trên địa bàn tỉnh, bệnh tay chân miệng (TCM) giảm hơn 50% so cùng kỳ năm trước.

Thế nhưng, đây cũng là thời điểm bắt đầu bước vào đợt “đỉnh dịch” thứ 2 trong năm (tháng 9- 12), nên việc chủ động tuyên truyền, giám sát từ ngành y tế, cộng với ý thức người dân trong thực hiện các biện pháp phòng bệnh là điều kiện quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ tốt hơn.

Ngành y tế phát xà bông để người dân trong cộng đồng ý thức việc rửa tay sạch, phòng tránh TCM.
Ngành y tế phát xà bông để người dân trong cộng đồng ý thức việc rửa tay sạch, phòng tránh TCM.

Bệnh TCM giảm một nửa

Buổi tọa đàm Phòng chống bệnh TCM diễn ra vào chiều 30/9/2015 tại UBND xã Phước Hậu, do các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Vĩnh Long:

Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Long Hồ phối hợp tổ chức có hơn 100 người dân tới dự. Đây là buổi nói chuyện lần thứ 3 với bệnh nhiễm này, khi bắt đầu vào đợt “đỉnh dịch” thứ 2 trong năm.

Cô Phan Thị Hoa (ấp Phước Ngươn A, Phước Hậu- Long Hồ) hiện ở nhà giữ đứa cháu nội 3 tuổi, nói năm ngoái cháu có bị mắc TCM, nhưng cũng nhẹ.

“Tui đi vầy thì nghe bác sĩ nói phòng ngừa bệnh cho mấy đứa nhỏ, về nhà mình chăm sóc kỹ càng hơn hoặc khi tụi nó mắc bệnh này thì mình cũng biết”- cô Hoa nói. Còn chị Nguyễn Thị Kim Hằng (ấp Phước Hanh A) cũng đang có đứa con út 4 tuổi và dù cháu chưa mắc TCM lần nào, chị vẫn đến nghe để “biết cách ngừa bệnh, chăm sóc con mình tốt hơn”.

“Mình ở nhà kỹ lắm, nhất là việc rửa tay chân cho con, cho mình khi chăm sóc nó. Đi học về, đi chơi về, mỗi khi tiêu tiểu hay chơi đồ chơi xong mình đều cho con bé rửa tay bằng xà bông cho sạch”.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng, từ đầu năm nay đến nay, tỉnh ghi nhận 1.166 ca mắc TCM. Long Hồ có số mắc TCM nhiều với 402 ca. Với chưa đến chục ca bệnh, TX Bình Minh (7 ca), Bình Tân (8 ca) là những địa bàn có bệnh TCM lưu hành rất thấp. Theo số liệu Sở Y tế, số ca bệnh TCM tích lũy đến tháng 9 là gần 1.200 ca; so cùng kỳ giảm trên 1.300 ca (gần 53%).

Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, Phòng Kế hoạch- Tổng hợp, ghi nhận 848 ca bệnh TCM khám ngoại trú và điều trị nội trú. Trong đó hơn phân nửa là ca bệnh độ I (nhẹ nhất) còn lại là số ca bệnh điều trị nội trú: độ IIA (độ nhẹ) chiếm chủ yếu (360 ca), các độ bệnh nặng hơn chiếm ít như độ IIB (8 ca), độ III (4 ca).

Từ tổng số ca bệnh lưu hành thấp, yếu tố dịch tễ nguy cơ không cao, số ca bệnh nhập viện điều trị nội trú nhẹ, có thể nói bệnh TCM đã “hạ nhiệt” ngay khi bắt đầu mùa cao điểm “đỉnh dịch” (tháng 9-12) hàng năm vốn là chu kỳ của bệnh nhiễm này.

Trẻ mắc TCM: đút thức ăn cũng phải kỹ...

Theo bác sĩ Phạm Trí Châu- Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe- nhận định đến nay dù TCM tổng số mắc giảm mạnh, nhưng với hơn 1.000 ca mắc đến nay thì nguy cơ bùng phát các ổ dịch TCM là cao tại các địa bàn.

Xác nhận số mắc bệnh TCM hiện giảm mạnh so cùng thời điểm 2014, nhưng bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng- đồng tình cảnh báo này bởi hiện đang bắt đầu vào đợt “đỉnh dịch” thứ 2 của năm (tháng 9- 12). Đợt “đỉnh dịch” đầu tiên của năm (tháng 3- 5).

Tại buổi tạo đàm Phòng chống bệnh TCM, người dân rất quan tâm đến bệnh TCM-bệnh nhiễm mắc quanh năm và rất dễ lây lan này
Tại buổi tạo đàm Phòng chống bệnh TCM, người dân rất quan tâm đến bệnh TCM-bệnh nhiễm mắc quanh năm và rất dễ lây lan này

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hồng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ- huyện là địa bàn có số mắc TCM chiếm nhiều nhất tỉnh và Phước Hậu là địa bàn có số mắc bệnh này cao nhất trong các xã.

Mặc dù đến nay huyện ghi nhận khoảng 400 ca bệnh, giảm hơn 50%, nhưng vẫn tiềm ẩn bùng phát. Ngoài tọa đàm trên, trung tâm y tế huyện còn phối hợp phát trên truyền thanh xã mỗi tháng 12 lần và tổ chức nói chuyện nhóm tại hàng loạt xã có số mắc TCM cao.

Bác sĩ Phạm Trí Châu khuyến cáo, khi phụ huynh thấy con trẻ có bất cứ dấu hiệu nào sau đây: loét miệng, phát ban dạng bỏng nước (lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông), sốt, nôn,... thì nên đến ngay cơ sở y tế để khám và có hướng điều trị, vì đó là trẻ mắc TCM. Còn theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, nếu trẻ bị bệnh thể nặng (do đưa đi khám, điều trị trễ), bệnh sẽ dễ dẫn đến biến chứng nhanh, nặng, liên quan tim, phổi, có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hồng giải thích cặn kẽ: Trong nhà có trẻ bị TCM thì cha mẹ khi chăm trẻ cũng phải giữ vệ sinh thật sạch, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà bông cho trẻ, cho mình để tránh lây nhiễm và bội nhiễm; không kiêng tắm, không kiêng gió, đặc biệt tránh dùng vật nhọn đâm hay lể mụn nước khi nghĩ là mụn nước do dị ứng bình thường;

cho trẻ ăn thức ăn mềm, nhuyễn, đầy đủ dưỡng chất, không nên cho trẻ ăn thức ăn cay, nóng, chua; khi cho trẻ ăn không dùng muỗng, nĩa có khía, sắc nhọn vì khi đưa vào miệng trẻ sẽ đau, dễ làm trầy xước vết loét ở miệng; đồ chơi, đồ dùng vật dụng trong nhà, sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang phải luôn được lau rửa sạch bằng dung dịch tẩy rửa;...

Các lưu ý này áp dụng ở cả cơ sở giáo dục có nuôi dạy trẻ để hạn chế thấp nguy cơ mắc, lây lan bệnh và làm giảm khả năng bệnh nặng hơn.

Khi trẻ bị TCM, cha mẹ cũng phải giữ vệ sinh thật sạch, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà bông cho trẻ, cho mình để tránh lây nhiễm và bội nhiễm; không kiêng tắm, không kiêng gió, đặc biệt tránh dùng vật nhọn đâm hay lể mụn nước khi nghĩ là mụn nước do dị ứng bình thường; cho trẻ ăn thức ăn mềm, nhuyễn, đầy đủ dưỡng chất, không nên cho trẻ ăn thức ăn cay, nóng, chua; khi cho trẻ ăn không dùng muỗng, nĩa có khía, sắc nhọn vì khi đưa vào miệng trẻ sẽ đau, dễ gây trầy xước vết loét ở miệng; đồ chơi, đồ dùng vật dụng trong nhà, sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang phải luôn được lau rửa sạch bằng dung dịch tẩy rửa;... 

 

Bài, ảnh: MINH THÁI