Kẹo không nguồn gốc: Càng màu sắc càng dễ nhiễm độc

Cập nhật, 10:31, Thứ Ba, 21/05/2013 (GMT+7)

Trước các cổng trường mầm non, tiểu học, hay cấp 2, cấp 3, các loại kẹo không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan. Các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ trẻ ăn phải kẹo có chứa chất độc hại đang là rất cao.

Kẹo "đẹp" vào căng tin  

Tại trường mầm non Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội), chúng tôi bắt gặp trong căng tin bán một số loại kẹo có màu sắc lòe loẹt.

Gọi là căng tin nhưng thực chất đây chỉ là một góc nhà gửi xe của giáo viên mầm non được một người đứng ra bày mấy chiếc bàn, ghế để bán cháo, sữa, bánh kẹo, xúc xích... cho các cháu vào buổi sáng. Vào buổi chiều, thay vì bán chỗ cũ, thì người này bày ra một chiếc bàn ngay gần cổng ra vào của trường.  

Giờ tan học, nhiều cháu nhỏ học tại đây đòi cha mẹ mua gói kẹo có màu đỏ. Khi hỏi người bán hàng có giá bao nhiêu tiền, bà này cho hay 8.000đ. Bà cũng nói thêm: đây là kẹo Thái nên rất ngon. Tuy nhiên, trên gói kẹo này hoàn toàn không có bất cứ thông tin nào về công ty nhập khẩu, về chỉ tiêu chất lượng của kẹo bằng tiếng Việt. 

Không chỉ tại trường mầm non trên, trước các cổng nhiều trường tiểu học, hay cấp 2, cấp 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng bán khá nhiều mặt hàng bánh kẹo dạng này.

Không chỉ là bánh kẹo có màu sắc lòe loẹt mà nhiều loại còn được lồng ghép vào các đồ chơi như trứng, súng, hoa... Và tất cả các mặt hàng này hoặc được ghi xuất xứ là Trung Quốc hoặc Thái Lan. Trong đó, các loại kẹo được cho là từ Thái Lan có giá đắt hơn từ Trung Quốc. 

Trước cổng trường tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chúng tôi cũng ghi nhận nhiều loại kẹo như đã phản ánh ở trên. Các loại bánh kẹo này được bày bán tràn lan trên các sạp hàng. Thậm chí, dù được phơi sương nắng nhưng kẹo vẫn giữ màu sắc tươi như mới. 

Mang nững gói kẹo này đến gặp BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên gia thuộc Bộ Y tế, chúng tôi được biết: hiện có hai loại màu sử dụng để chế biến kẹo  là màu tổng hợp và màu tự nhiên. So với màu tự nhiên, màu tổng hợp thường tan trong nước và ổn định hơn.

Màu tổng hợp tác dụng với hydroxid nhôm Al(OH)3 để cho ra một dung dịch gọi là hồ sẵn sàng để nhuộm màu trong thực phẩm. Lợi điểm của màu tổng hợp là màu bền, không bị tác dụng do thời gian, nhiệt độ hay ánh sáng. Các nhà sản xuất thực phẩm rất thích dùng loại màu tổng hợp này.

Đơn cử hai màu tổng hợp căn bản là màu tartrazine có màu vàng và màu carmine màu đỏ ngả qua cam. Đứng về phương diện độc hại, những màu này rất nhạy cảm cho da, có thể làm nứt da, tạo ra những vảy nến, hay làm dị ứng cũng như nghẹt mũi.

Các loại kẹo màu sắc sặc sỡ được bày bán tại cổng trường học. 

 

Ảnh hưởng đến thần kinh trẻ

Theo ThS Nguyễn Thục Quyên, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội, đã có những loại kẹo không rõ nguồn gốc bị thu hồi và tiêu hủy. Trong các sản phẩm này, có chứa các chất độc hại như chì, cadmi, chất tạo ngọt, phẩm màu độc hại cho trẻ.

Bánh kẹo không rõ nguồn gốc có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe một cách nghiêm trọng. Bởi người sản xuất có thể dựa vào các yếu tố như ham rẻ, làm dối, không được quản lý, làm thủ công... nên sử dụng các thành phần  độc hại.  

ThS Nguyễn Thục Quyên dẫn chứng, thay vì sử dụng phẩm màu thực phẩm, nhà sản xuất có thể thay thế phẩm bằng phẩm màu công nghiệp chứa nhiều hợp chất hữu cơ. Hay đường tạo ngọt cũng có nhiều loại, vì ham rẻ nên người ta sử dụng đường không những không có năng lượng mà còn bị cấm sản xuất... 

"Bản thân phẩm màu công nghiệp đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Loại phẩm màu này có chứa nhiều yếu tố nguy hại cho sức khoẻ. Ví dụ, nói đến phẩm màu công nghiệp rất khó tránh được các hợp chất hữu cơ.

Điều này đồng nghĩa, các hợp chất hữu cơ này có thể kết nối với các hàng nghìn chất khác để tạo ra các chất khác nữa. Ngoài ra, phẩm màu công nghiệp có lẫn tạp chất, là những chất độc hại nên cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe và sự phát triển cơ thể, thần kinh và não bộ của trẻ", ThS Nguyễn Thục Quyên cho hay. 

 

Theo các tài liệu do ThS Phạm Thị Nga, Trung tâm Quan trắc và Công nghệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường Thái Nguyên tìm hiểu cho thấy, trong các kim loại nặng, cadmi được xếp vào hàng độc nhất. Khi cadmi vào cơ thể sẽ tích tụ chủ yếu ở thận, có thời gian bán phân hủy sinh học từ 10 - 30 năm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cadmi là chất gây ung thư đường hô hấp. Khi bị nhiễm độc cadmi tùy theo mức độ có thể biểu hiện ở các mức khác nhau như ung thư phổi, thủng vách ngăn mũi, tổn thương thận, ảnh hưởng tới nội tiết máu và tim mạch... 

Theo Kienthuc.net.vn