Tiêm chủng mở rộng ngày càng rộng mở

Cập nhật, 13:52, Thứ Sáu, 25/01/2013 (GMT+7)

“Hồi trước tiêm chủng cực kỳ khó khăn. Cứ mỗi khi thấy cán bộ y tế quảy cái thùng đi là người ta trốn ngay. Giờ, thấy tới ngày tiêm chủng theo quy định, người ta tự ẵm con tới trạm xá cho tiêm vaccine, uống sabin liền...”.


Một bà mẹ trẻ tìm hiểu về các chương trình và hoạt động của ngành y tế dự phòng.

Sợ cái thùng... tiêm chủng

Bác sĩ Huỳnh Hữu Nghĩa– Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long từng làm công tác tiêm phòng, hiểu rõ phản ứng và thái độ e ngại của người dân khi cán bộ y tế đến nhà tìm trẻ để... tiêm chủng nên có mấy phác họa của Chương trình tiêm chủng mở rộng (CTTCMR) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cách đây 25 năm và hiện nay như đã nói ở phần trên.

Theo các cán bộ y tế qua các thời kỳ, công tác tiêm phòng trên địa bàn tỉnh những ngày đầu rất gian nan. Lúc triển khai CTTCMR, Vĩnh Long gặp không ít khó khăn về kinh phí, rồi phản ứng từ người dân do các tác dụng phụ không mong muốn của vaccine... Lúc đó Vĩnh Long có 6 loại vaccine được tiêm chủng phòng ngừa bệnh: lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt với độ bao phủ đạt 50% số huyện trong tỉnh và tỷ lệ tiêm chủng đạt 33%.

Tuy nhiên theo thời gian, ý thức của người dân và công tác tuyên truyền ngày càng sâu rộng, CTTCMR đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các y- bác sĩ cho rằng, chính ý thức tốt và hợp tác nhiệt tình, nên công tác tiêm phòng ngày càng đạt hiệu quả cao, giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, mắc bệnh và tử vong ở trẻ nhiều năm nay trên địa bàn.

Hiện đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, đến ngày tiêm chủng theo quy định, cán bộ y tế xã hay cộng tác viên y tế các ấp đôi khi khỏi nhắc, gia đình vẫn đưa con mình đến tiêm chủng định kỳ. Hầu hết người dân ở 107 xã- phường- thị trấn trong tỉnh, cứ theo thói quen “đến hẹn lại... tiêm” này. Đó là bước phát triển của CTTCMR trong nhiều năm qua mà ngành y tế dự phòng tỉnh đã ghi nhận.

“Giai đoạn cán bộ tiêm chủng đến tận hộ gia đình tìm trẻ để tiêm chủng không còn nữa mà thay vào đó là người dân ý thức tự đem trẻ đến trạm y tế để tiêm ngừa”– theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân– Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long.

Nay thì thái độ người dân không hài lòng với việc sử dụng vaccine trong phòng ngừa bệnh do những phản ứng phụ của vaccine không còn nữa. Thay vào đó là tuân thủ đưa trẻ đi tiêm ngừa đúng tuổi, đúng lịch và nhiệt tình hưởng ứng các chiến dịch sử dụng vaccine phòng bệnh cho trẻ.

TCMR tiếp tục... rộng mở

Chị Ngọc ẵm đứa con gái 4 tháng tuổi Thanh Thảo bước vào dãy ghế chờ trong phòng tiêm ngừa, còn ông xã chị đang đi làm thủ tục để được tiêm chủng. Cô y sĩ chậm rãi đưa ống vaccine vào miệng đứa bé, nhỏ nhẻ câu dỗ dành, chỉ một chốc đứa trẻ đã uống vaccine xong.

Độ 15 phút sau, một cặp vợ chồng ẵm một cháu chưa đầy 6 tháng tuổi vào, cảnh tượng trên lập lại tương tự... Vaccine 2 cháu bé vừa được cho uống là vaccine phòng ngừa tiêu chảy cấp. Những chi tiết này ghi nhận tại phòng tiêm ngừa, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, một ngày tháng 1/2013.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, qua 25 năm triển khai CTTCMR, kết quả tiêm chủng ngày càng cao. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt trên 95%; tiêm chủng vaccine phòng uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ từ 15- 35 tuổi luôn đạt trên 85%.

Do hiệu quả thiết thực trong việc sử dụng vaccine phòng bệnh, nhiều bệnh đã được thanh toán, loại trừ như bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh,… Truyền thông sâu rộng nên ý thức người dân với tiêm phòng ngày càng cải thiện.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 loại vaccine thực hiện tiêm chủng thường xuyên, bao phủ 100% xã- phường- thị trấn... Cùng với 3 loại vaccine tả, thương hàn, viêm não Nhật Bản để dự phòng cho những vùng có nguy cơ cao.


Y sĩ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang cho trẻ uống vaccine.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng BCĐ Các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh- đánh giá cao công tác tiêm chủng phòng ngừa bệnh tật trên địa bàn của CTTCMR trong 25 năm qua. Theo ông, trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng xuyên suốt công tác y tế dự phòng, CTTCMR và thận trọng ngăn ngừa những tai biến do tiêm ngừa...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, ngành y tế tỉnh thực hiện các chương trình lồng ghép cần ngày càng sâu rộng hơn, quan tâm hơn nữa mảng sức khỏe cộng đồng, y tế học đường, an toàn vệ sinh lao động, chương trình phòng chống dịch,... Đối với dịch bệnh nguy hiểm, dù năm qua tỉnh không xuất hiện ổ dịch lớn, nhưng ngành y tế nên phát huy tính tích cực chủ động, tăng cường giám sát phối hợp để phòng chống dịch bệnh ngày càng hiệu quả...

Theo ngành y tế dự phòng tỉnh, có thể nói CTTCMR đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi cơ bản tình hình bệnh tật truyền nhiễm của trẻ em, góp phần thành công trong chăm sóc sức khỏe trẻ em và người dân trong tỉnh, đạt được mục tiêu quan trọng về thanh toán, duy trì và giữ vững kết quả đã thanh toán các bệnh tật truyền nhiễm.

Bài, ảnh: MINH THÁI