Rối loạn nuốt ở người già

Cập nhật, 14:54, Thứ Ba, 10/07/2012 (GMT+7)

Một cụ ông 85 tuổi được đưa vào viện trong tình trạng sốt nhẹ, ho nhiều. Chụp X-quang phổi thấy có hình ảnh viêm phổi phải. Theo như người chăm sóc mô tả, gần một năm nay, ông cụ bị ho rất nhiều, đã đi khám và điều trị nhưng bệnh chỉ đỡ chút ít…

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn nuốt ở người già. Hàng đầu là các thương tổn thần kinh - cơ như nhồi máu não, xuất huyết não, bệnh Parkinson, xơ cứng cột bên teo cơ, đa u tủy xương, nhược cơ, sa sút trí tuệ. Tiếp đến là nhóm nguyên nhân do tổn thương cấu trúc như tuyến giáp to, phì đại đốt sống cổ, túi thừa Zenker, ung thư…; các rối loạn tâm lý, bệnh mô liên kết (viêm đa cơ, loạn dưỡng cơ…), các nguyên nhân do thầy thuốc (phẫu thuật vùng hầu họng, xạ trị, thuốc…) cũng có thể gây những rối loạn nuốt ở người già.

Rối loạn nuốt và hậu quả

Nuốt là một quá trình sinh lý nhằm đưa thức ăn, các chất dinh dưỡng, nước… vào đường tiêu hóa. Nuốt gồm bốn giai đoạn: sự chuẩn bị của khoang miệng, quá trình đẩy thức ăn xuống của khoang miệng, hầu họng và thực quản. Các giai đoạn này có sự tham gia phối hợp của miệng, hầu họng, thanh quản và thực quản.

Việc suy giảm chức năng các cơ quan, đặc biệt là não bộ ở người già thường gây rối loạn quá trình nuốt như việc suy giảm hoặc mất các phản xạ bảo vệ trong đó có phản xạ đóng nắp thanh môn khi nuốt.

Biểu hiện của các rối loạn về nuốt ở người già rất phong phú và đa dạng. Rối loạn nuốt do miệng và hầu họng thường gây ho, nghẹn, khó nuốt, cảm giác thức ăn vướng ở họng… Rối loạn nuốt do thực quản thường có cảm giác vướng thức ăn trong họng hoặc trong ngực dọc theo xương ức, nghẹn trong ngực. Bên cạnh đó, rối loạn nuốt nói chung thường gây tăng tiết nước bọt, sặc thức ăn lên mũi, ho sặc do thức ăn rơi vào khí quản…

Rối loạn nuốt ở người già có thể gây nhiều hậu quả từ nhẹ đến nặng. Nhẹ nhất cũng là viêm mũi họng, nói khàn, thay đổi thói quen ăn uống. Nếu nặng hơn, bệnh nhân sợ ăn, uống, thậm chí sợ cả nuốt… nước bọt. Điều này sẽ dẫn đến mất nước, điện giải, sụt cân, suy kiệt nặng. Nhưng nguy hiểm nhất là bệnh nhân bị sặc thức ăn, nước, nước bọt…vào phổi gây nên ho, viêm phổi kéo dài và tái đi tái lại. Nhiều trường hợp, lượng dị vật vào phổi quá nhiều gây ho dữ dội, co thắt thanh quản, suy hô hấp cấp và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

 

Điều trị rối loạn nuốt

Trước khi điều trị các rối loạn nuốt, phải đánh giá thật cụ thể mức độ và vị trí tổn thương cũng như nguyên nhân gây ra rối loạn nuốt. Việc đánh giá dựa vào thăm khám kỹ lưỡng vùng họng miệng, thanh quản, khám phát hiện các tổn thương phổi (thường là phổi phải). “Nuốt đồ ký - ghi hình quá trình nuốt” có cản quang là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán các rối loạn về nuốt. Có thể nội soi thực quản, làm điện cơ, chụp CT, MRI sọ não… để xác định nguyên nhân.

Mục tiêu điều trị rối loạn nuốt là tránh viêm phổi hít phải (do sặc), cải thiện khả năng ăn uống để đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân. Các biện pháp bao gồm tìm dạng thức ăn thích hợp, ví dụ bệnh nhân khó nuốt thức ăn cứng thì chuyển chế độ thức ăn mềm hơn, bệnh nhân hay sặc chất lỏng thì chuyển chế độ ăn đặc…

Điều trị phục hồi chức năng nuốt bằng “liệu pháp nuốt” gồm ba phương pháp: hỗ trợ bù khi nuốt, luyện tập tăng cường chức năng các cơ nhai - nuốt và luyện tập khi đang trong quá trình nuốt. Liệu pháp này nhằm làm giảm khả năng sặc thức ăn vào phổi và tránh ứ đọng thức ăn trong miệng. Phẫu thuật cắt cơ nhẫn - hầu để làm thông thoáng đường thức ăn xuống thực quản cũng có thể được áp dụng. Nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, mở thông dạ dày - hỗng tràng qua nội soi được chỉ định cho một số trường hợp nặng.

Dự phòng bằng cách nào?

Dự phòng viêm phổi do rối loạn nuốt ở người già bằng cách: nghỉ ngơi trước ăn 30 phút; ngồi khi ăn; ăn miếng nhỏ, thức ăn mềm thích hợp; không nói chuyện, xem ti vi, đọc báo… làm mất tập trung khi đang ăn. Tránh dùng các thuốc an thần, gây ngủ ngoài chỉ định. Làm rỗng dạ dày bằng các thuốc như erythromycin, motilium… Vệ sinh răng miệng thường xuyên để tránh viêm phổi hít phải và hết sức chú ý nếu bệnh nhân đang ăn bị sặc phải biết cách cấp cứu như một hội chứng dị vật thâm nhập đường thở.

Theo SK&ĐS