Nỗi lòng nàng dâu

Cập nhật, 22:41, Thứ Năm, 22/10/2020 (GMT+7)

Ánh chiều nghiêng bóng trên dòng sông Hậu hiền hòa, Thương khoát nhẹ cây dầm, đưa con đò lướt êm trên sóng. Vừa chèo đò, Thương vừa kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời đầy cay đắng của mình.

Thấm thoát đã hơn 10 năm kể từ ngày Thương lên xe hoa sánh duyên cùng Hải- người con trai hiền lành, chăm chỉ, hiếu thảo với mẹ cha. Kinh tế ổn định nhưng Hải rất dè xẻn trong việc chi tiêu nên cũng hợp ý với Thương.

Nhà nghèo, lấy được Hải là điều may mắn với mình, Thương nghĩ nên nhất nhất tuân theo mọi sự sắp đặt của Hải và mẹ chồng. Tuy không như những bà mẹ chồng khó tính ngày xưa nhưng bà Loan cũng không phải người dễ chịu, đôi khi cũng quá khắt khe, xét nét với Thương.

Dòng sông ngày đêm sóng vỗ, sóng trong lòng Thương cũng dậy lên khi hạnh phúc bắt đầu rạn nứt, bởi bà Loan bảo “chừng nào tui có cháu nội thì mới mong thằng Hải nó nhìn ngó đến cô”.

Chẳng là đã qua bao mùa nước lũ mà Thương chưa hạ sinh được một mụn con. Trong khi công việc hàng ngày, Thương làm không ngơi tay, thế mà cả gia đình hất hủi, trừ cha chồng thỉnh thoảng động viên khi không có bà Loan ở nhà. 6 cái lu lớn, mỗi ngày Thương phải gánh nước sông đổ đầy, lau nhà sạch sẽ.

Buổi sáng, cả nhà 7 người mà chỉ mua 6 ổ bánh mì, Thương làm xong việc buổi sáng thì hết phần. Thế là cô nhịn ăn sáng. Nhưng đắng cay hơn là mẹ chồng bỗng dưng ra bảo, mấy cái lu nước có mùi nước tiểu nên bà nghiêng đổ, bắt Thương phải đi gánh lại. Quá ức nhưng Thương buộc phải vâng lời.

Thế rồi Hải có bồ. Cô gái làng trên là chỗ thân quen với bà Loan nên bà ngấm ngầm tán đồng, thậm chí còn tuyên bố sẽ cưới cô gái đó cho Hải. Ông Tuân phản đối thì bà Loan bảo “ông thương nó thì lấy luôn đi, để cho thằng Hải nó lấy vợ khác”.

Cái ngữ đàn bà vô sinh thì làm ăn được gì. Đỉnh điểm của sự rạn nứt là khi bà Loan làm ăn thất bại, vỡ nợ khoảng 40 triệu đồng. Ông Tuân và Hải đi lấy cây thì bị lật xuồng, cây đè Hải gãy chân, còn ông Tuân gãy tay. Bà Loan cho rằng Thương đã mang cái xúi quẩy về cho gia đình nên càng chì chiết, đay nghiến cô nhiều hơn.

Thương nén lòng lo cho chồng và cha chồng ở bệnh viện, chu tất việc nhà, nhiều hôm đói lả mà chẳng dám kêu than. Khi cha con ông Tuân xuất viện thì người yêu Hải báo có thai, bà Loan lập tức xua đuổi, bảo Thương khăn gói về nhà cha mẹ đẻ, bà không chứa loại “... gái độc không con”, vô trách nhiệm với liệt tổ, liệt tông...

Hoàng hôn buông xuống, lục bình hững hờ trôi, con đò cập bến, tôi vào nhà nghe Thương kể hết câu chuyện bi thương, cay đắng của nàng. Đứa bé gái chừng 10 tuổi lễ phép chào tôi.

Thương cho biết đó là con của cô và Hải. Nói rồi Thương kể tiếp. Sau khi về nhà thì được biết mình đã mang thai. Khi em sinh con thì người yêu Hải cũng sinh đứa bé gái nhưng bị ngộp nước ối và chết, cô gái bị sản hậu, lâm bệnh nặng.

Tai họa ập xuống liên miên, chủ nợ liên tục gây áp lực, đe dọa lấy mạng, bà Loan đành bỏ nhà vào chùa nương nhờ cửa Phật, ăn năn, sám hối. Ông Tuân và Hải thì sống kham khổ qua ngày với nghề làm mướn. Những người con khác thì tha phương cầu thực.

Với riêng mình, Thương hàng ngày ăn chay niệm Phật, cầu may mắn cho chồng và gia đình chồng. Cô mong một ngày nào đó có nhiều tiền sẽ về giúp đỡ gia đình chồng. Thương bảo, sau khi có con, cô nhắn tin nhưng không biết Hải có nhận được hay không mà chẳng thấy đến hay phản hồi gì.

Nghĩ Hải và gia đình chồng không quan tâm mà bỗng dưng mình bồng con về chắc gì họ tin là con cháu nhà họ nên Thương lặng thầm, vò võ một mình nuôi con, mong phút giây đoàn tụ. Lòng Thương đau đáu một nỗi niềm...

THANH NGHỊ