Đồng hành cùng con tuổi dậy thì

Cập nhật, 05:48, Thứ Năm, 17/09/2020 (GMT+7)

 

Đồng hành cùng con tuổi dậy thì để hướng con đến những điều tốt đẹp nhất. Ảnh minh họa
Đồng hành cùng con tuổi dậy thì để hướng con đến những điều tốt đẹp nhất. Ảnh minh họa

Trẻ dậy thì sẽ có rất nhiều thay đổi từ hình thể đến tâm lý và sinh lý. Vì thế, nếu cha mẹ không nắm bắt kịp thời để có hướng tư vấn, chia sẻ cùng con thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Đầu năm học mới, đưa con đến trường; đứng nhìn con trai 13 tuổi của mình lên lớp, chị H.H. giật mình khi thấy con mình lớn hẳn ra trông thấy.

Con trai đã bắt đầu cao hơn mẹ, năm nay lên lớp 8 rồi còn gì. Chị H.H. nghĩ lại: “Hèn chi dạo này thấy con có nhiều thay đổi, ít sà vào lòng mẹ thủ thỉ như trước hay khó chịu la mắng em gái nhỏ, ngay cả da cũng bắt đầu xuất hiện mụn nhỏ.

Có lần chị còn nghe con trai trò chuyện với em gái mình nói về cậu bạn thân có bạn gái học chung lớp…” Biết là con trai đang bước vào giai đoạn dậy thì tuổi mới lớn nhưng chị H.H. không có nhiều thời gian trò chuyện tư vấn cho con từng chút một và thật sự chị cũng chưa biết phải đồng hành với con như thế nào cho tốt.

Chị M.N. thì cô con gái năm nay lên lớp 11 đã thật sự phát triển như thiếu nữ. Cô bé phổng phao và xinh xắn hẳn ra làm vợ chồng chị cũng phải quan tâm lo lắng cho con nhiều hơn. Dù bận rộn mấy vợ chồng chị cũng quyết phải đưa rước con đi học, quản lý giờ giấc sinh hoạt của con chu đáo.

Tuy nhiên, theo chị M.N. thì đối với việc sinh lý hình thể bên ngoài chị có thể chia sẻ, tư vấn cho con được nhưng còn về vấn đề tâm lý tuổi mới lớn sao khó nắm bắt quá. Cô bé không chia sẻ nhiều với mẹ, có vấn đề gì chị cần hỏi thì con gái cũng ậm ừ trả lời không rõ ràng nhiều lúc khiến chị rất lo lắng.

Có hôm rước con, chị thấy con ngồi trò chuyện có vẻ thân mật với một bạn nam, chị cố hỏi nhưng con gái chỉ trả lời là bạn thôi, có hỏi thế nào cũng không nói nhiều.

Chị biết tâm lý tuổi dậy thì rất phức tạp, chị cũng lên mạng tìm hiểu nhiều rồi nhưng thực tế thì không dễ dàng gì đồng hành với con được.

Các chuyên gia cho biết rất nhiều phụ huynh đã chủ quan với sự thay đổi tâm lý của trẻ ở độ tuổi dậy thì. Điều này là vô cùng nguy hiểm, bởi không nắm bắt tâm lý trẻ khi dậy thì kịp thời sẽ để lại những hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Đối với vấn đề sinh lý, sự phát triển thể chất, cha mẹ có thể thường xuyên chú ý đến con, tìm hiểu hỏi han con về những thay đổi, trang bị kiến thức đầy đủ để kịp thời giải thích, hướng dẫn con những cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Còn về tâm lý thì có phần phức tạp hơn đòi hỏi cha mẹ phải tìm hiểu kỹ, kiên nhẫn để bước được vào thế giới của con mình.

Điều thể hiện rõ nhất là con bạn sẽ có tính độc lập hơn, từ một đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, ở tuổi dậy thì trẻ thể hiện tính tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Trẻ sẽ bắt đầu quan tâm đến hình ảnh cơ thể, dễ lo lắng, buồn rầu về những nhược điểm của cơ thể hoặc hay so sánh mình với những bạn cùng trang lứa.

Bên cạnh, con bạn sẽ mở rộng quan hệ xã hội, chơi theo nhóm bạn và chịu ảnh hưởng của nhóm bạn cùng chơi. Trẻ có sự thay đổi về nhận thức, đây là giai đoạn tích lũy nhanh và mạnh các kinh nghiệm, kỹ năng sống và khả năng tư duy, phân tích những tình huống ngày một phát triển…

Với tất cả những thay đổi về mặt tâm lý trên, bác sĩ tâm lý cho rằng ở giai đoạn này mỗi người mẹ ngoài trách nhiệm chăm sóc, bảo ban… thì cần là một người bạn của con, nắm bắt thay đổi về tâm lý của con để từ đó chia sẻ, đồng cảm và hướng những suy nghĩ của con sao cho tích cực nhất.

Đối với vấn đề trẻ yêu sớm, các chuyên gia tâm lý cũng đồng ý với việc ngăn cấm trẻ yêu sớm sẽ có tác dụng ngược, mà hãy thật sự là người bạn để chia sẻ, tư vấn cho con mọi điều để con hiểu, giúp con biến tình yêu thành động lực. 

Không ít phụ huynh đánh mất con chỉ vì không có cách ứng xử khéo léo khi phát hiện con yêu sớm. Ở lứa tuổi 13, 14 là lứa tuổi đang muốn chứng tỏ mình đã lớn, thích làm ngược lời cha mẹ, dễ nghe lời bạn bè.

Vì thế, chỉ cần ngăn cấm, đánh mắng, con sẽ lập tức phản kháng bằng những hành động bồng bột, nông nổi, gây hậu quả đáng tiếc.

Các chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ hãy gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với những tâm tư “tuổi mới lớn”, “tuổi bắt đầu rung động” của con để khéo léo động viên, khích lệ con làm điều đúng đắn và rời xa những điều không phù hợp. 

Không chỉ thế, các chuyên gia tâm lý còn nhấn mạnh cha mẹ cần nói cho con biết những “nguy cơ” của việc đi quá giới hạn trong tình yêu để giúp con biết tự bảo vệ mình, tránh gây ra hậu quả đáng tiếc.

Hãy giúp con biến tình yêu trong sáng tuổi học trò thành động lực học tập, để con và đối tượng của con trở thành đôi bạn cùng tiến. Nói cho con hiểu có như vậy tình yêu mới đẹp, mới bền lâu và có ý nghĩa.

Để đồng hành cùng con tuổi dậy thì thành công là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo và cả kiến thức cập nhật thường xuyên. Phải thấu hiểu, lắng nghe, nhẹ nhàng trò chuyện để chia sẻ, tư vấn cho con hướng đến những chuẩn mực tốt đẹp, đi trên con đường tương lai đúng đắn, phù hợp nhất.

Bài, ảnh: LAM NGỌC