Khi động lực trở thành... áp lực

Cập nhật, 05:44, Thứ Năm, 23/07/2020 (GMT+7)

Em mới học lớp 10, chuẩn bị lên lớp 12. Em học giỏi nhưng không hiểu sao trong lòng cứ nặng trĩu, lo lắng mình không thể đạt học sinh giỏi và còn lo lắng gia đình mình có thể tan vỡ. Có lẽ là vì ba mẹ em hay cãi nhau vì chuyện học của tụi em ấy.

Ba mẹ em đều là giáo viên nên chuyện học hành của tụi em chắc cũng gây áp lực không nhỏ, vì có lần ba em nói: “Dạy con người ta học giỏi mà con mình không giỏi thì chắc cắn lưỡi luôn quá”. Mẹ em có góp ý với ba không nên nói vậy. Em thì hiểu là ba nói là để tạo động lực cho tụi em, nhưng… động lực ngày càng trở thành áp lực.

Em là con gái lớn, ngoài việc học còn phải phụ ba mẹ làm việc nhà, trông coi tiệm tạp hóa nữa. Nhưng, dù làm bù đầu đi nữa thì cũng không vừa ý ba mẹ em. Em thường xuyên bị la mắng, có khi còn bị cú đầu đau điếng ngay trước mặt người mua hàng. Em gái em mới học lớp 6, được cả nhà yêu chiều. Em còn ngây thơ nên chưa hiểu hết mọi chuyện. Tuy nhiên, em muốn em gái em mãi ngây thơ như thế để khỏi phải chịu áp lực này nọ từ ba mẹ em.

Ở trường, em ít có bạn, vì ba mẹ cấm em không được tụ tập, kết bè kết bạn. Ở nhà, em cũng không có ai tâm sự, dù mẹ em tính tình ôn hòa hơn ba nhưng cũng quá nghiêm khắc. Đôi khi em chỉ muốn chết đi cho xong chuyện nhưng nghĩ lại nếu mình chết thì em gái sẽ lãnh phần của mình, em không nỡ…

Em tìm hiểu trên mạng và nghi là mình bị bệnh, có phải không vậy chị?

Hải Ly

Tuy em còn nhỏ nhưng suy nghĩ đã trưởng thành. Chị Hoa Hồng nói vậy vì cách em nhìn nhận vấn đề chín chắn với nhiều suy tư sâu sắc.

Có lẽ em nhận thức được những điểm mạnh của mình (học giỏi, ngoan hiền), cộng thêm kỳ vọng của ba mẹ đã khiến em cảm thấy mình phải đạt được nhiều thành tích hơn nữa.

Chị thấy khả năng quan sát, sự nhạy cảm vốn có sẽ là lợi thế giúp em nhận ra những điều sâu sắc của cuộc sống và có cuộc sống tinh tế. Nhưng chính sự nhạy cảm này đôi lúc vô tình đặt lên trên vai em trách nhiệm, nhiều áp lực. 

Ví dụ như một câu nói bâng quơ, vô tình của cha hay mẹ cũng có thể ảnh hưởng sâu sắc, khiến em trăn trở.

Tuy nhiên, câu nói đó không hề thể hiện rằng ba mẹ không yêu thương em, mà chỉ là biểu hiện của họ khi chưa tìm được cách thể hiện cảm xúc.

Vì thế, em hãy cứ luôn cố gắng trở thành một người chị có trách nhiệm, một người con chững chạc, chủ động chia sẻ, gắn kết với ba mẹ nhé!

Về việc em có bệnh hay không thì chị không thể trả lời, bởi những thông tin trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo. Vì vậy, em không nên quá lo lắng khi chưa được đánh giá chính thức từ giới chuyên môn.

Em hãy tìm đến sự hỗ trợ của những người lớn khác chẳng hạn như giáo viên tâm lý ở trường, một người họ hàng mà em cực kỳ thân thiết như dì ruột, cô ruột,... để có được sự trợ giúp kịp thời.

Ba mẹ cần được biết về những tổn thương em gặp phải khi nghe những câu nói vô tình kia. Chị nghĩ một bức thư gửi cho ba mẹ sẽ giúp em giải tỏa được tâm lý và là cầu nối bày tỏ những lời chia sẻ chân thành để đôi bên thấu hiểu nhau hơn.

Chúc em sống an yên hơn trong ngôi nhà của gia đình mình!

HOA HỒNG