Hoa Hồng trò chuyện

Học ăn, học nói...

Cập nhật, 16:06, Thứ Năm, 28/02/2019 (GMT+7)

Bản thân tôi là người ít nói, rất sợ những người nói nhiều. Thế nhưng không hiểu sao lại cưới ngay cô vợ “nói như sáo” vậy.

Ban đầu, tôi có nhắc cô ấy nhẹ nhẹ rằng là ba má đã già, cần sự yên tĩnh nhưng không ăn thua. Chuyện nhà, chuyện hàng xóm, chuyện gà vịt, chuyện chợ búa,… chuyện nào cô ấy cũng có thể tham gia “bình loạn” cả. Tôi và ba má không tham gia tuy khiến cô ấy mất hứng nhưng rồi vẫn “chứng nào tật nấy” khiến ai cũng lắc đầu ngao ngán. Cô ấy còn giận và cho rằng “gia đình chồng không coi cô ấy ra gì”. Tôi có giải thích nhưng cô ấy không tin, khóc hết đêm cho tới ngày… và còn đòi dọn về nhà mẹ ruột nữa.

Tôi vừa sợ người nói nhiều, vừa sợ người mau nước mắt vừa không muốn vợ chồng ly tán. Vậy thì tôi phải làm sao đây? Hiện vợ tôi đang có bầu, khoảng hơn 2 tháng…

Minh An

Quả thật đây là một “ca khó”! Khó là bởi “Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật” trong khi tính cô ấy đã vậy, hay nói, hay kể lể, hay càm ràm,… Mà phụ nữ thì (xin lỗi những phụ nữ không thuộc diện này nhé!) hầu hết đều mắc “bệnh” này.

Chỉ là sợ vợ bạn nói không đúng thời điểm, không trúng đối tượng, nói chung là không duyên mà thôi, chứ còn nói nhiều mà nói chuyện vui, không làm ảnh hưởng xóm giềng, họ mạc thì cũng… vui cửa vui nhà mà!

Ông bà ta đã dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, tức là cần phải học cách ăn, nói đúng chuẩn mực, cần phải học các hành vi ứng xử văn hóa. Vì vậy, nếu tinh ý quan sát chúng ta sẽ nhận ra nói chuyện vào thời điểm nào, nói chuyện gì là thích hợp. Khi cảm thấy người nghe uể oải, không muốn nghe thì phải biết chuyển hướng câu chuyện hoặc tránh nói thêm có thể gây nhàm chán, bực bội.

Trước mắt, vì cô ấy đang mang thai nên bạn đừng làm quá căng, thôi thì “một sự nhịn chín sự lành” đi nhé. Sau này, khi có điều kiện thì sẽ góp ý thêm. Nếu bạn góp ý trên cơ sở tôn trọng thì chắc cô ấy sẽ nhận ra và dần thay đổi thôi. Chúc bạn thành công nhé!

HOA HỒNG