Đừng để vợ "đi biển mồ côi một mình"

Cập nhật, 14:33, Thứ Năm, 11/01/2018 (GMT+7)

Tối qua, một bạn trẻ có “nick” Nguyễn Đào đăng dòng tâm trạng trên mạng xã hội “Hóa ra không phải hôn nhân, phòng sanh mới là nấm mồ của tình yêu” đã nhận được rất nhiều “like” và “coment”. Sự việc nhắc đến những vụ lùm xùm về bệnh trầm cảm sau sinh và hậu quả tang thương mà không ai mong muốn. Phải chăng, phòng sanh chính là “lửa thử vàng”?

Đừng để vợ “đi biển mồ côi ”.Ảnh minh họa
Đừng để vợ “đi biển mồ côi ”.Ảnh minh họa

Nơi “lửa thử vàng”

Trong lễ cưới, các anh thường thề non hẹn biển kiểu: bất kể ốm đau hay khỏe mạnh, giàu hay nghèo đều sẽ vĩnh viễn yêu, tôn trọng, bảo vệ em suốt đời… Tuy nhiên, không ít người đã quên đi “lời thề hẹn”, để vợ vượt cạn mồ côi!

Nguyễn Đào cho rằng: “Chỉ có lúc sinh con, phụ nữ mới có thể nhìn ra được con người thật của chồng mình”.

Nguyễn Đào kể lại câu chuyện chờ chị gái sanh ở Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh): những người phụ nữ luống tuổi, lấp ló ở trước tấm biển “không phận sự miễn vào” và luôn dõi mắt về phòng sanh chính là mẹ lo cho con gái.

Trong khi, hầu hết đàn ông trong phòng đều đang sử dụng điện thoại: người thì chơi game, người lên mạng xã hội, người gọi điện,… Một ông chồng gọi vợ: “Em sắp sanh chưa? Chưa thì anh về nhà nghe, chừng nào sắp sanh gọi anh”.

Những bình luận bên dưới vẽ nên bức tranh sinh động “ra nước mắt” với những ông chồng vô tâm.

Nick baby góp cho câu chuyện: Trong phim, khi sản phụ ở trong phòng sinh, người chồng ở bên ngoài vô cùng nóng ruột, vò đầu bứt tai, đi qua đi lại.

Chỉ cần có một chút động tĩnh là lập tức xông lên hỏi y tá “vợ tôi thế nào rồi, cô ấy có làm sao không”. Còn trong hiện thực, hành động nôn nóng đó không phải của chồng mà là của bố mẹ sản phụ. Còn đại đa số các ông chồng đều ngồi trên ghế, căng thẳng … chơi game.

Một bạn có nick Bích Nguyễn thì cho rằng: “Đàn ông đợi vợ, vật tùy thân gồm có: điện thoại, ví tiền, thuốc lá, nước, sạc dự phòng… Còn mẹ đợi con gái sinh, vật đem theo lại là quần áo, khăn, đồ ăn”. Nick Lan Chi chia sẻ: “Đọc tâm trạng mấy chị, em mới hỏi chồng “lúc em sanh anh làm gì”, anh ấy trả lời gọn khô “ngủ chứ còn làm gì nữa!”

Đừng để mất mát đau thương

Một số mày râu cho rằng chuyện sinh con là bình thường, phụ nữ nào chẳng sinh con, nên không biết quan tâm, chăm sóc vợ.

Thật ra đây lại là giai đoạn mà phụ nữ cần chồng quan tâm, chăm sóc nhất. Và thực chất, chuyện “khai hoa nở nhụy” không phải là chuyện dễ dàng. Về mặt sinh lý, phụ nữ phải trải qua một cơn đau thập tử nhất sinh.

Nó đau đến mức, bác sĩ dùng dao rạch tầng sinh môn mà không cần dùng đến thuốc tê bởi vì những cơn đau khi sinh đã vượt qua nỗi đau đớn cắt da cắt thịt kia rồi. Còn sinh mổ thế nào?

Chị Mỹ Thanh (TP Cần Thơ) kể: Nằm trên bàn mổ, đèn bật sáng, được tiêm một liều thuốc tê nửa thân dưới, mình hoàn toàn có ý thức, cảm nhận được bác sĩ dùng dao, rạch từng lớp, từng lớp da bụng, rạch tử cung để đưa đứa bé ra ngoài. Cảm giác như một linh kiện bị tháo ra, sau đó lại được ráp lại.

Lúc đó mình cảm thấy rất cô đơn, sợ hãi. Chị Thanh nói rằng: “Nếu như người đàn ông nào cũng nếm thử nỗi đau đớn của vợ, có lẽ sẽ không còn những người mẹ trầm cảm”.

Trong lúc chờ phiên tòa xử ly hôn của chị L., chị Mỹ Hạnh (Tam Bình) kể cho tôi nghe câu chuyện chị cùng mẹ đưa chị L.- chị của chị Hạnh- đi sinh ở bệnh viện tỉnh mấy năm về trước:

“Chị tôi đau bụng hơn một ngày anh rể mới xuất hiện, lý do là bận họp, mà họp xong là phải đi nhậu nữa”- chị Hạnh thở dài, nói thêm-"Nhớ nhất là lúc chị tôi băng huyết, bác sĩ nói cần truyền máu nhiều mà bệnh viện lại thiếu máu, tôi cùng mẹ đi thử máu, anh rể thì lại băn khoăn”.

Sản phụ L. nhóm máu O, chồng chị cũng nhóm máu O nhưng vì mẹ chồng sợ con trai hiến máu “rủi bị gì” nên không cho con truyền máu.

Chị Hạnh buồn bã: “Tôi không ngờ anh rể cũng đồng tình với mẹ anh ấy nên không truyền máu cho chị tôi, chỉ có tôi và cha giúp chị. Đến khi đứa bé ra phòng sanh thì anh ấy chỉ biết chạy theo con mà quên hỏi thăm chị tôi một tiếng”. Câu chuyện là khởi đầu cho cuộc hôn nhân tan vỡ, mà chị L. muốn chấm dứt nó và tự nuôi con một mình.

Những thông tin về một người mẹ trẻ giết con và bị nghi là trầm cảm; người phụ nữ ôm con tự tử vì không được chia sẻ lúc sinh,… đã gióng lên hồi chuông báo động về bệnh trầm cảm. Nó sẽ không bao giờ có cơ hội xuất hiện nếu như chị em phụ nữ luôn có chồng bên cạnh lo lắng, chăm sóc, hiểu tâm tư tình cảm của vợ, cùng vợ vượt cạn và cùng chăm con lớn.

Sau sinh, do thay đổi nội tiết tố, tâm sinh lý, mệt mỏi khi vừa vượt cạn, khi không được sự giúp sức, đồng lòng của người thân, có đến 30- 85% phụ nữ mắc bệnh buồn sau sinh, triệu chứng cảm xúc dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu. Có tới 10- 15% phụ nữ trầm cảm sau sinh, thường mang khí sắc trầm buồn, lo âu quá mức, mất ngủ, thích ở một mình, hay khóc lóc và dằn vặt chính bản thân. Và dưới 0,2% những phụ nữ sau sinh bị loạn thần, một chứng trầm cảm nặng liên quan đến thần kinh. Họ dễ bị kích động, gây hấn, cáu gắt, khí sắc trầm hay hưng phấn, hoang tưởng…

 

Bài, ảnh: CHI LINH