"Bà cô bên chồng"

Cập nhật, 13:57, Thứ Năm, 12/10/2017 (GMT+7)

Nỗi niềm lo lắng của các cô dâu khi về nhà chồng không chỉ là mẹ chồng khó tính mà còn có sự góp mặt của các “bà cô”- là chị hoặc em chồng. Tuy không phải trường hợp nào cũng ghê gớm kiểu như “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, nhưng đây vẫn luôn là nỗi lo của không ít cô dâu trẻ.

Ảnh chỉ có tính minh họa
Ảnh chỉ có tính minh họa

Mỗi nhà mỗi cảnh

Khi kết hôn, về nhà chồng sống rồi chị M.T mới ngậm ngùi nhận ra rằng đúng là khổ với “bà cô bên chồng”.

Cô em chồng nhỏ hơn chị chỉ 1 tuổi thôi nên cho rằng “ngang hàng” nhau, nói chuyện với chị chẳng kiêng nể chút nào. Nhà chỉ có hai anh em lại khá giả nên cô em chồng được cưng như trứng mỏng, không đụng tay đến việc nhà, lại khó khăn đòi hỏi trong ăn uống.

Những ngày đầu mới về, chị ngỡ ngàng đến “sốc” khi chị vừa bày trên mâm cơm những món mình vất vả cả buổi sáng để nấu cho cả nhà thì ngay lập tức cô em chồng vừa đụng đũa vào đã nhăn mặt chê mặn, chê tanh, rồi ăn có mấy miếng cơm đã bỏ đũa đứng dậy lên phòng.

Chị M.T. nghẹn ngào, tối đó chồng chị an ủi vợ, nói rằng tính khí cô em gái là vậy, cả nhà chiều quá nên giờ không ai nói được, để từ từ rồi anh nói chuyện với cô ấy.

Cái từ từ của chồng không biết đến bao giờ nhưng những tháng ngày sau đó chị M.T đã trải qua vô cùng nặng nề, không hề vui vẻ hạnh phúc gì khi phải “làm dâu” cả ba mẹ chồng và cô em chồng.

Ba mẹ chồng thì không đến nỗi nào khó khăn nhưng lại rất mực cưng chiều con gái. Vì thế chị mệt mỏi với tính khí đỏng đảnh, kỹ lưỡng đến khó chịu, lại hay bắt bẻ người khác trong từng câu nói của cô nàng. Không khí giữa chị dâu em chồng rất ngột ngạt, xa cách.

Cảnh chị dâu, em chồng của chị H.N. còn căng thẳng hơn. Hai người cũng suốt ngày “gây chiến” chỉ vì chuyện làm ăn kinh tế chung trong gia đình.

Tuy cô em chồng cũng đã lập gia đình nhưng vẫn sống chung trong nhà, những chuyện vặt vãnh sinh hoạt hàng ngày, rồi chuyện những đứa con nhỏ phá phách cũng khiến họ không ai nhường ai.

Chuyện cãi vã um sùm là chuyện “cơm bữa”, thậm chí có lần họ còn xông vào ấu đả nhau, khiến hai ông chồng can ra không kịp, rồi không thèm nhìn mặt nhau suốt mấy tháng trời, phải đến lúc cha mẹ đứng ra hòa giải mới làm lành lại được, nhưng trong lòng họ vẫn còn đố kỵ đối phương.

Xây dựng mối quan hệ

Hai con người với hai tính cách khác nhau lại không máu mủ ruột rà, không thân quen từ trước lại về sống chung một mái nhà thì việc không hợp nhau, dè xét nhau là hết sức bình thường.

Cuộc sống sau hôn nhân là đủ thứ lễ nghĩa, phép tắc, lề lối, trách nhiệm với gia đình. Dù là chị dâu hay em chồng thì cũng nên nhớ, muốn người ta yêu thương mình, thì mình phải mở lòng, phải coi người ta là gia đình của mình trước đã.

Cùng là phụ nữ với nhau nên không khó để hiểu, không khó để lấy lòng nhau. Ở đời, mỗi người nên nhường nhịn nhau một chút, đặt mình vào hoàn cảnh của người kia một chút để cuộc sống có thể dễ dàng hơn, tốt đẹp hơn.

Em chồng cũng thế, mà chị dâu cũng vậy. Quan trọng nhất vẫn là tin tưởng, tôn trọng nhau mà thôi. Những góp ý nhẹ nhàng, chia sẻ cùng nhau sẽ giúp cả hai hiểu và thông cảm với nhau hơn.

Theo kinh nghiệm của chị N.D (Long Hồ) chia sẻ thì chị cũng là một “bà cô bên chồng” với tính khí cũng không hề dễ chịu chút nào.

Những ngày đầu khi anh trai mới cưới chị dâu về, sự tồn tại của một người lạ trong nhà với nhiều sự khác biệt khiến chị cũng thấy hơi khó chịu, có phần không thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày.

Chị cũng từng có thái độ và những lời nói không êm tai với chị dâu. Nhưng may mắn chị dâu là người hiền lành, không hề đáp trả hay nổi giận gì, vì thế chị N.D cũng có phần ái ngại và suy nghĩ lại.

“Tôi cũng là phụ nữ, tương lai cũng phải lấy chồng về nhà chồng nếu tôi mà gặp cô em chồng như tôi hiện giờ thì chắc xin về nhà mẹ đẻ sớm. Nên tôi muốn thay đổi thái độ với chị, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn. Tôi bắt đầu không để ý đến những chuyện nhỏ nhặt, không so đo với chị dâu, tìm cách nói chuyện làm thân với chị.

Là phụ nữ với nhau nên có nhiều sở thích giống nhau, chúng tôi chỉ cần trao đổi với nhau những chuyện như đi siêu thị, shopping thế nào, ăn uống cà phê ở đâu là ngay lập tức rôm rả vui vẻ liền, khoảng cách cũng gần nhau hơn.

Tôi cũng hiểu được rằng muốn người ta đối với mình thế nào thì trước hết mình phải biết cư xử đúng mực với người ta và tôi nhận ra chị dâu mình cũng dễ thương lắm. Giờ chúng tôi rất thân thiết, hòa thuận nhau”- chị N.D chia sẻ.

Không ai không mong muốn các mối quan hệ trong gia đình có được sự thuận hòa, êm ấm nhưng để đạt được điều đó là cả một nghệ thuật ứng xử khéo léo, cần sự tôn trọng, hợp tác từ cả hai phía.

Bài, ảnh: HẢI YẾN