Khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Cập nhật, 14:14, Thứ Sáu, 30/06/2017 (GMT+7)

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sâu sắc. Mặc dù thời gian qua, phong trào vẫn còn một số hạn chế nhất định, song nhìn tổng thể “thông qua phong trào, các hoạt động đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, xây dựng môi trường, các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng được đẩy mạnh; khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo nên mối gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư…”- ông Lữ Quang Ngời- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh- nhận định.

Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt

Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền là hồn cốt xây dựng gia đình văn hóa bền vững, tiền đề quan trọng xây dựng ấp- khóm, xã văn hóa nông thôn mới.
Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền là hồn cốt xây dựng gia đình văn hóa bền vững, tiền đề quan trọng xây dựng ấp- khóm, xã văn hóa nông thôn mới.

Theo ghi nhận của UBND tỉnh Vĩnh Long, việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH tình làng nghĩa xóm giữa các hộ gia đình ngày càng phát huy tinh thần tương thân thương ái giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng chuẩn hộ khá thoát nghèo đa chiều bền vững.

Điều này đã được khẳng định qua truyền thống đoàn kết của ông cha ta từ thời khẩn hoang, lập ấp ở mảnh đất phương Nam qua bao đời nay. “Họ đều là những con người cùng cảnh ngộ, vì nghèo khổ mà phải phiêu dạt nơi đất khách quê người.

Trong các xóm, mọi người đối xử nhau thân ái, bình đẳng, sẵn sàng giúp đỡ nhau khắc phục những khó khăn trong cuộc sống ở một vùng đất mới xa lạ và nhiều gian khổ”- trích sách “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732- 2000)”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long năm 2003, trang 24.

Đức tính cao đẹp đó của người Nam Bộ nói chung, người Vĩnh Long nói riêng đã được gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay, làm tăng số lượng gia đình văn hóa của tỉnh lên hàng năm, tạo nên nhiều tấm gương sáng, điển hình trong phong trào TDĐKXDĐSVH ở địa phương.

Theo số liệu thống kê, năm 2010 tỉnh có hơn 214.000 gia đình văn hóa, chiếm 78,36%, đến cuối năm 2016 toàn tỉnh có 246.193 gia đình văn hóa, đạt 94,02%, tăng 15,66%.

Đây là tiền đề, động lực quan trọng để số lượng ấp- khóm- khu dân cư văn hóa tăng hàng năm, với 766 ấp- khóm- khu dân cư văn hóa, đạt 90,43%, tăng hơn năm 2010 gần 20%; 41/94 xã văn hóa nông thôn mới, 2 phường đạt văn minh đô thị, chiếm 13,33%.

Các danh hiệu văn hóa trên đã góp phần đáng kể cho 25/89 xã được công nhận danh hiệu nông thôn mới, tỷ lệ 28,08%.

Kết quả này đã khẳng định rằng, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân đã tác động đến hiệu quả của phong trào TDĐKXDĐSVH.

Thông qua phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, gương người tốt việc tốt để nhân rộng điển hình như: mô hình “Hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” ở Tam Bình, “Thu gom rác dân lập” trong xây dựng đô thị văn minh của TP Vĩnh Long, “Thùng rác ven các trục đường nông thôn” ở hầu hết các xã- phường- thị trấn trong tỉnh.

Thiết chế văn hóa từng bước hoàn thiện

Phong trào TDĐKXDĐSVH phát huy được sức mạnh toàn dân, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt.
Phong trào TDĐKXDĐSVH phát huy được sức mạnh toàn dân, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt.

Cùng với hệ thống giao thông, cảnh quan môi trường, thiết chế văn hóa cơ sở cũng góp phần tạo ra diện mạo mới cho nông thôn ngày nay.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã xây dựng mới 15 trung tâm văn hóa, thể thao (TTVHTT) xã, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 28 TTVHTT xã, nâng tổng số lên 52 TTVHTT xã.

Xây dựng mới 24 nhà văn hóa, khu thể thao (NVH- KTT) cụm liên ấp; cải tạo, sửa chữa 12 NVH- KTT cụm liên ấp, nâng tổng số lên 36 NVH- KTT cụm liên ấp. Đầu tư mới 5 sân bóng đá cụm liên xã diện tích 60m x 90m, nâng tổng số sân bóng đá cụm liên xã lên 23 sân và 6 sân bóng đá huyện.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có tất cả 48 sân bóng đá mini, 56 sân cỏ nhân tạo, 34 phòng tập TDTT, 43 sân quần vợt, 46 sân bóng chuyền và 18 hồ bơi; trên 550 điểm đọc sách, báo; hơn 1.150 CLB thể thao, điểm tập, sân bãi thể thao; 368 CLB văn hóa, văn nghệ được thành lập, với 5.423 thành viên, 356 CLB TDTT, trên 8.190 thành viên.

Cũng giai đoạn này, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp trang thiết bị âm thanh cho 46 lượt TTVHTT xã, 35 lượt NVH- KTT cụm liên ấp và 1 đội thông tin lưu động huyện với hơn 5 tỷ đồng.

Trang bị sách cho hệ thống thư viện tỉnh và thư viện các huyện- thị trên 9.790 tên sách, báo, 32.771 bản sách, 135 đĩa CD… luân chuyển cho phòng đọc sách các xã- phường- thị trấn, ấp- khóm để phục vụ bạn đọc.

Hàng năm, tại các thiết chế văn hóa, thể thao địa phương, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đều tổ chức từ 2- 3 liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật: liên hoan đờn ca tài tử, tiếng hát công nhân viên chức lao động, hội thi Tiếng hát nông dân, thi đấu cờ tướng, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương tạo nên phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT sôi nổi, hấp dẫn.

Các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư, xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, để địa phương tổ chức tốt các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là người dân vùng nông thôn. Các hoạt động được tổ chức đã góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Giai đoạn 2010- 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát, đánh giá và hướng dẫn xây dựng, quản lý và hoạt động tại 35 TTVHTT xã, NVH- KTT ấp trên 60 lượt, làm cơ sở công nhận 28/89 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 32/89 xã đạt tiêu chí văn hóa, để nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 25/89 xã vào cuối năm 2016.

Bài, ảnh: MINH TÂM