Nàng ơi, bớt cằn nhằn nhé!

Cập nhật, 05:44, Thứ Năm, 16/03/2017 (GMT+7)

Người ta nói rằng một cô vợ ưa cằn nhằn giống loại rượu vang lâu năm, tuy mạnh nhưng lại có vị nồng đượm khó quên. Cằn nhằn chắc là “thương hiệu” của chị em, tuy nhiên nếu lúc nào cũng cằn nhằn và ca cẩm suốt ngày những chuyện nhỏ nhặt, nhắc tới lui chuyện xưa tích cũ thì cũng không hay chút nào.

Biết cách thủ thỉ, khen ngợi đúng lúc sẽ luôn tạo được hạnh phúc gia đình.
Biết cách thủ thỉ, khen ngợi đúng lúc sẽ luôn tạo được hạnh phúc gia đình.

Cằn nhằn… khổ lắm!

Nhiều ông chồng cứ than phiền có bà vợ hay cằn nhằn đến nhức đầu chóng mặt, các bà vợ thì cho rằng cằn nhằn là muốn tốt cho chồng, vì tức tối những thói xấu trong sinh hoạt hàng ngày, không kiềm được nên mới thế. Nhưng nhiều khi cái sự cằn nhằn này lại tạo tác dụng ngược.

Chị N.H. ở xóm tôi có bản tính nói rất nhiều, đặc biệt là chị rất thích cằn nhằn chồng. Anh M.Q.- chồng chị- rất khổ vì tật cằn nhằn này của vợ.

Mỗi ngày, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ lúc vui đến lúc buồn gì chị cũng ca cẩm, cằn nhằn bên tai anh suốt.

Bữa nào anh đi nhậu nhẹt cùng bạn bè là y như rằng về tới nhà đã thấy chị đón sẵn ngoài cửa rồi cằn nhằn… dài vô tới trong nhà. Anh biết mình đi tụ tập nhậu nhẹt không phụ giúp được việc nhà với vợ nên đành im lặng chịu trận.

Riết thành quen cứ anh mà đi đâu ra ngoài với bạn bè đồng nghiệp là về bị vợ cằn nhằn suốt.

Thậm chí những lúc trong không khí vô cùng hòa bình, chị N.H. cũng kiếm chuyện này kia ra mà cằn nhằn, chẳng hạn như thấy nhà hàng xóm mua được chiếc xe mới hay món gì đáng giá là chị quay vô cằn nhằn chồng ngay, nào là anh chỉ biết làm xong công việc cơ quan là tụ tập nhậu nhẹt đi chơi không lo kiếm gì làm thêm kiếm tiền cho bằng người ta, nào là hết giờ làm về nhà chỉ biết ngồi đọc báo, xem ti vi không tự ý thức được phụ giúp vợ việc nhà…

Nghe riết anh M.Q. chịu không nổi, thế là hết giờ làm là anh kiếm cớ rủ mấy chiến hữu đi làm vài chai cho lâng lâng rồi về ngủ, khỏi nhức đầu vì những lời càm ràm của vợ.

Nhắc lại cái tính cằn nhằn của mình, chị M.C. không khỏi hối hận và cũng từ đó chị bỏ bớt hẳn không càm ràm nữa. Số là chị cũng rất hay cằn nhằn anh chồng hay nhậu nhẹt của mình.

Lần đó, anh đi nhậu với bạn đến tận khuya mới về trong hơi men chất ngất, chị không ngủ được chờ cửa đến lúc anh về, tức quá chị tuôn ra không biết bao là lời nói khó nghe, cằn nhằn chồng suốt 1 giờ đồng hồ.

Anh vừa bực tức vừa xấu hổ với hàng xóm khi giữa đêm thanh vắng, tiếng vợ mắng mình sang sảng. Nói hoài không chịu thôi, anh lớn tiếng hét lại vợ và lập tức lên xe bỏ chạy ra đường mặc cho chị M.C. la với theo.

Chỉ khoảng 1 giờ sau, chị nhận được cú điện thoại đột ngột đầy kinh hãi, báo là anh bị tai nạn xe. Chị khóc bù lu bù loa chạy vô bệnh viện kiếm chồng.

Cằn nhằn vừa đủ thôi

Bạn cằn nhằn vì cho rằng “mưa dầm thấm lâu” chồng sẽ dần ngấm sâu bài học. Tuy nhiên, đàn ông vốn có nhiều sở thích và suy nghĩ khác với phụ nữ, vì thế những lời bạn nói hoài đôi khi còn phản tác dụng nếu tai chồng chịu hết thấu.

Ở một số phụ nữ, việc cằn nhằn trở nên thường xuyên và ngày càng nhiều hơn đó là do thái độ bất hợp tác và sự thiếu quan tâm của chồng. Họ cho rằng nếu như chồng chịu nghe, chịu sửa đổi thì mình sẽ không phải cằn nhằn.

Vì vậy, nhiều chị em cứ thích cằn nhằn suốt, nhắc đi nhắc lại những chuyện cũ rích để nhồi vào tai chồng ngày này, tháng khác khiến nhiều ông tỏ ra bức bối, khó chịu và càng muốn lười hơn kiểu “điếc không sợ súng” để dằn mặt chơi.

Kinh nghiệm cho thấy, chị em nên sớm “tắt loa”, chỉ cằn nhằn vừa đủ thôi, ngừng chiêu ca thán, chỉ cần trao đổi, yêu cầu nghiêm túc một vài lần là đủ sức thuyết phục.

Nếu muốn chồng chia sẻ thì nên biết chọn thời điểm hòa thuận để “thương thảo” phân công rõ nhiệm vụ phù hợp với mỗi người, đảm bảo không khí gia đình sẽ dần thay đổi.

Ca ngợi cũng là một nghệ thuật, khích lệ đàn ông nhiều hơn, giúp họ có thêm động lực hợp tác. Khen ngợi mỗi khi chồng làm được việc gì sẽ khiến anh ấy cảm thấy tự hào, là trụ cột gia đình vững chắc. “Mật ngọt chết ruồi”- đàn ông bao giờ cũng “đỗ” vì những lời ngọt ngào, yêu thương.

Một chuyên gia về tâm thần kinh nhận xét, đàn ông rất dễ bị bức bối, stress do những lời ca thán của phụ nữ.

Nam giới đặc biệt bị ảnh hưởng nhiều hơn phụ nữ bởi họ thường không chia sẻ các vấn đề của mình với bạn bè và gia đình. Đàn ông thường chỉ tâm sự với vợ hay bạn gái, trong khi đó là những người đã khiến họ đau buồn.

Gia đình là cái nôi ươm trồng tình yêu thương, khi sống vui vẻ mới duy trì được hạnh phúc bền lâu.

Bài, ảnh: HẢI YẾN