Hoa Hồng trò chuyện

Chưa chung nhà đã chung ví

Cập nhật, 13:51, Thứ Năm, 12/01/2017 (GMT+7)

Tiền bạc đối với em không quan trọng lắm, quan trọng là tấm lòng thành thật với nhau. Vì thế, khi anh yêu cầu tôi “chi chung”, em không ngần ngại. Theo thỏa thuận ngầm, em và anh góp vào quỹ chung 60% lương để chi cho chuyện xăng xe, ăn uống, mua sắm quần áo, đám tiệc,…

Lương tháng của em gần 5 triệu đồng, trong khi lương anh chỉ có 4 triệu nên em đề nghị góp phần bằng nhau, vì em còn nhiều khoản phải chi riêng. Thế nhưng anh nói em tính toán thiệt hơn. “Đã thế thì sau này về với nhau, nếu em có thu nhập cao hơn anh thì xem anh ra tấm ra cám luôn”- anh nói vậy.

Trước đó, anh hay hỏi dò tiền lương của em là bao nhiêu. Em không nói rõ, chỉ bảo là tạm đủ. Anh không tin, nói “lương em chắc cao lắm”. Nghĩ lại, em thấy mình ngu ngơ làm sao. Chắc là anh ấy muốn biết lương của em là bao nhiêu nên mới bày ra chuyện này. Mà em thấy khó làm sao ấy. Vì anh rủ bạn đi nhậu cũng kêu em chi, y như em là vợ của ảnh rồi không bằng. Giờ em quyết định rút lại thỏa thuận, tiền ai nấy xài cho dễ, có được không?

thanhhuenguyenxx@gmail.com

Các bạn góp tiền chung ví nhưng có góp gạo thổi cơm chung không? Nếu không thì đây quả là chuyện lạ, vì 2 người có cuộc sống riêng, mối quan hệ riêng nên góp tiền chung ví sẽ bất tiện. Còn nếu có thì chuyện đó là bình thường.

Và ai cầm ví thì phải quản lý được chi tiêu cho 2 người, có nghĩa là có kế hoạch chi tiêu hợp lý, trích một khoản dự phòng khi có khách khứa, đám tiệc, ốm đau,… Nói chung, người cầm ví có trách nhiệm cân bằng sao cho đầu tháng vui vì tiền rủng rẻng mà cuối tháng cũng không phải lao xao vì tiền đã cạn.

Nếu không muốn tiếp tục thực hiện thỏa thuận giữa 2 người thì bạn nên bày tỏ với người ấy, với một lý do chính đáng như giúp cho gia đình, tích lũy mua tài sản có giá trị chẳng hạn.

Chúc 2 bạn sớm về chung nhà để… chung ví sẽ tiện hơn!

HOA HỒNG