"Yêu cuồng"

Cập nhật, 09:30, Thứ Năm, 17/11/2016 (GMT+7)

Khi nào ta trở nên cuồng yêu? Đó chính là khi họ yêu thật lòng, yêu hết lòng một người, làm tất cả, hy sinh tất cả để nhìn thấy người mình yêu được hạnh phúc. Song, những người quá lụy tình thường tự chuốc lấy đắng cay, đau khổ, tự giày vò thân xác chỉ để níu kéo tình yêu.

Bên cạnh tình yêu, chúng ta còn nhiều mối quan hệ khác cần hướng đến.Ảnh mang tính minh họa
Bên cạnh tình yêu, chúng ta còn nhiều mối quan hệ khác cần hướng đến.Ảnh mang tính minh họa

Yêu bất chấp tất cả

Có một cô bạn gái xinh xắn, học giỏi, dễ thương nên L.T. (TX Bình Minh) xem người yêu là trung tâm của vũ trụ, hết lòng chiều chuộng. L.T. lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người yêu bỏ rơi nên luôn làm theo lời cô nàng nói, không dám cãi bất cứ vấn đề gì.

Lúc đầu, Th. (bạn gái L.T.) còn thấy hãnh diện với bạn bè vì có người yêu chu đáo, lo từng chút một. Nhưng sau một thời gian, Th. thấy ngợp bởi người yêu kiểm soát quá mức.

Từ giờ giấc đi chơi, đi học, đi ngủ và hơn hết là ghen quá mức đến nỗi Th. đi chơi với bạn cùng giới mà T. cũng ghen và không tin, tìm đến nơi để kiểm chứng.

Lần nào cãi nhau, T. cũng khóc lóc, năn nỉ, hứa thay đổi nhưng đâu lại hoàn đấy. Chịu hết nổi, Th. nói lời chia tay thì T. bỏ ăn uống, nghỉ học rồi nằm lỳ trong phòng khóc mấy ngày liền, rồi T. nhờ bạn cùng phòng điện thoại cho Th. biết. Chạnh lòng, Th. bỏ qua.

Đến lần khác, Th. phát hiện T. nhắn tin thân mật với cô gái khác, nhưng lại chối không thừa nhận. Chán nản, mất lòng tin, Th. dứt khoát chia tay thì lần này T. nhờ người hẹn ra gặp nói chuyện lần cuối.

Khi năn nỉ không được, bất ngờ T. lấy ra vỉ thuốc ngủ uống hơn chục viên. Thấy T. có dấu hiệu sốc thuốc, Th. sợ quá gọi bạn đến tức tốc chở T. đi bệnh viện cấp cứu, may là không sao.

Thấy người yêu hành động quá nông nổi, Th. rất sợ nhưng cũng không muốn kéo dài nên dứt khoát không gặp mặt nữa, nhưng không nghe điện thoại thì T. tìm đến tận nhà trọ, năn nỉ không được, T. rút dao găm đem theo và đâm vào bụng mình để uy hiếp Th.

Quá sợ hãi, Th. kêu người đến can ngăn và băng bó vết thương. Sau mấy lần đó, Th. hoảng loạn, đành xuống nước năn nỉ anh người yêu “cuồng” rồi tìm cách dứt ra từ từ, dần đổi số điện thoại lẫn nhà trọ.

Chuyện của H. còn thảm hơn. Biết người yêu đã hết tình cảm và muốn chia tay, B. dùng mọi cách để níu kéo, thậm chí đe dọa.

Ngày nào B. cũng nhắn tin “khủng bố” tinh thần, điều tra xem H. đi đâu, với ai, làm gì. Khi người yêu chặn cuộc gọi thì B. nhắn tin nói sẽ tự tử nếu H. không ra gặp và muốn chia tay.

Níu kéo được vài lần, B. lại bộc lộ tính gia trưởng như cũ, mỗi lần H. muốn chia tay thì B. lại có chiêu khác như đe dọa công việc của H. và gia đình, nói sẽ không để cô sống yên ổn.

Sợ hãi, nhưng H. vẫn chưa có cách nào dứt khoát bởi cô sợ nếu làm căng quá, B. sẽ có những hành động quá khích, nguy hiểm hơn.

Hãy tỉnh táo để yêu

Việc tự tử vì tình là phản ứng tiêu cực để níu kéo những thứ không còn thuộc về mình. Hầu hết những bạn trẻ tìm đến lựa chọn này đều mong muốn tìm thấy lại sự yêu thương, quan tâm lo lắng của đối phương dành cho mình và trên hết là nghĩ rằng đối phương sẽ sợ điều này và tiếp tục yêu thương mình.

Còn đối với những trường hợp thất tình muốn chết thật thì rõ ràng là một tính cách yếu đuối, ích kỷ, không nghĩ đến những người thân yêu của mình.

Các bạn trẻ đừng suy nghĩ đơn giản như thế, việc đe dọa tìm đến cái chết sẽ dần làm mất đi giá trị của bản thân trong mắt người khác, làm cho mâu thuẫn càng tăng thêm, lúc đó chỉ còn là sự chán chường, chịu đựng.

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục thì giới trẻ ngày nay có cuộc sống quá đầy đủ, trong mắt họ chỉ nỗi đau do tình yêu mang đến là điều khốn khổ nhất và không thể chịu đựng.

Các bạn nên nghĩ đến những điều tốt đẹp khác xung quanh mình, hãy sống thật tốt vì gia đình. Nếu những người trẻ có được những người bạn sẵn sàng tâm sự, có ba mẹ lắng nghe, động viên và hướng dẫn sống tích cực, kiên cường thì tin rằng chẳng ai bế tắc đến mức phải chọn cách tự tử.

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên rằng hãy yêu thương bản thân trước khi yêu thương một ai đó. Hãy thật thông minh, nhạy bén, quan sát, tìm hiểu bằng một cái đầu lạnh và một trái tim nóng để có thể chọn cho mình một người thực sự phù hợp.

Các bậc phụ huynh cũng nên tâm lý để hiểu, đồng cảm với những suy nghĩ của con, là người bạn đồng hành để dễ dàng định hướng, chia sẻ với con những kỹ năng cần thiết.

Các bạn trẻ nên nhớ rằng bên cạnh mình luôn có gia đình là nơi luôn rộng mở che chở, rồi còn bạn bè, tương lai sự nghiệp và một cơ hội tốt đẹp khác đang chờ phía trước.

Chỉ cần tỉnh táo, mạnh mẽ, sẵn sàng mở lòng ra và nhìn mọi thứ dưới một ánh mắt tích cực, mọi thứ tốt đẹp sẽ đến.

Bài, ảnh: YẾN LY