Những lưu ý gì đăng ký xét tuyển năm nay?

Cập nhật, 19:23, Thứ Ba, 30/03/2021 (GMT+7)

 

Nghiên cứu kỹ để chọn được ngành nghề, trường yêu thích.
Nghiên cứu kỹ để chọn được ngành nghề, trường yêu thích.

(VLO) Những thông tin chính thức về tuyển sinh năm 2021 đã được Bộ GD- ĐT công bố, về cơ bản có một số điểm mới. Bên cạnh đó, thí sinh cần lưu ý chọn nguyện vọng, phương thức xét tuyển phù hợp.

Thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển

Trong mùa tuyển sinh năm 2021, PGS.TS. Cao Hùng Phi (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long), cho biết: “Sẽ có một số thay đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng và hạn chế những sai sót”.

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ theo một trong hai hình thức là bằng phiếu hoặc trực tuyến tại những nơi có điều kiện.

Điểm mới nữa, là thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, theo phương thức trực tuyến sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, các em các em sẽ có thêm cơ hội để điều chỉnh quyết định của mình.

Tuy nhiên, thí sinh vẫn cần suy nghĩ thật kỹ trước khi điều chỉnh vì 3 lần chưa chắc đã giúp các em chọn đúng ngành nghề nếu như không có sự cẩn thận.

PGS.TS. Cao Hùng Phi cũng lưu ý: “Bộ GD-ĐT cũng bổ sung yêu cầu về điểm trúng tuyển theo diện đặt hàng tại các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Đừng ngại đặt câu hỏi với chuyên gia nếu có băn khoăn.
Đừng ngại đặt câu hỏi với chuyên gia nếu có băn khoăn.

Theo đó, điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30 và không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định chung của ngành tuyển sinh. Đây sẽ là lợi thế của học sinh Vĩnh Long”.

Việc sử dụng phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học cũng là điểm mới. Bộ GD-ĐT đề xuất thí sinh phải gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học. Như vậy, thí sinh sẽ không thể tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.

Bộ GD-ĐT cũng đưa ra sự thống nhất về cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển, lọc ảo, thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.

Cụ thể, chi phí đăng ký nguyện vọng xét tuyển giảm còn 25.000 đồng/nguyện vọng, năm 2020 chi phí đăng ký nguyện vọng xét tuyển là 30.000 đồng/ nnguyện vọng.

Sắp xếp nguyện vọng như thế nào?

Trong tuyển sinh năm nay, thí sinh vẫn được đăng ký vô số nguyện vọng, tuy nhiên các chuyên gia tư vấn khuyên thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Vì phần mềm xét tuyển chạy theo thuật toán "lọt sàng xuống nia" và lọc ảo theo điểm, do vậy khi đã trúng tuyển nguyện vọng nào thì các nguyện vọng sau sẽ không được xét nữa.

Vậy nguyên tắc ghi nguyện vọng xét tuyển là gì? Các em nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển là những ngành, trường mà mình thực sự mong muốn trúng tuyển và yêu thích nhất lên trên.

Có rất nhiều trường tuyển sinh theo nhiều hình thức khác nhau: bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, bằng điểm đánh giá năng lực, xét tuyển dựa trên kết quả học tập,… thí sinh tranh thủ nhiều phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển. Khi trúng tuyển thí sinh chỉ được trúng một ngành, một trường.

Khi lựa chọn ngành nghề, thí sinh cần dựa theo sở thích, năng lực và hoàn cảnh giá đình. Bà Nguyễn Thị Thý Liễu – Phó Giám đốc Phân hiệu Vĩnh Long của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Khi chọn ngành nghề, các em cần chọn ngành mình yêu thích, ngành trường phù hợp với năng lực bản thân và phù hợp kinh tế gia đình”.

Thực tế tại Phân hiệu Vĩnh Long của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã nhận không ít hồ sơ xin chuyển trường của nhiều sinh viên từ các trường ĐH khác chuyển về, chủ yếu vì hai lý do không thích ngành học đang học và lý do kinh tế gia đình.

5 nguyên tắc xét tuyển: mục tiêu việc làm sau này là gì; ngành, trường, điều kiện tuyển sinh, học phí ra sao; năng lực bản thân; chọn phương thức tuyển sinh phù hợp; cải thiện sức học. Không nên chọn ngành nghề chỉ xuất phát từ điểm bài thi tổ hợp đã chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, rồi mới chọn ngành.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN